Saturday, September 24, 2011

NỖI NIỀM MẤT TÊN

Viết tặng Thầy, Trò... Nguyễn Hoàngvà những ngôi trường đã mất dạng hay mất tên.


Sau 1975, nhiều ngôi trường từ Cà Mau ra Quảng Trị đã bị mất dạng hay mất tên. Thầy cô, bạn cũ một thời vẫn còn đó. Nhưng trường xưa đâu rồi. Những nhân vật lịch sử đứng tên trường như Nguyễn Hoàng, Đồng Khánh, Hàm Nghi, Gia Long, Petrus Ký... không còn mang giá trị cũ. Buổi giao thời, những nhân vật mới có khi chưa xanh mồ lịch sử đã vội lên thay. Tuy lịch sử sẽ có sự phán xét riêng và cuối cùng rất công bằng của nó, nhưng hiện tại, tên gọi ngôi trường cũ chẳng có mặt mày làm chứng, nên tất cả chỉ còn là tín hiệu của trái tim.Có nhiều câu hỏi về "chính danh" nổi lên. Như trường hợp trung học NGUYỄN HOÀNG sẽ được trình bày sau đây là một thí dụ điển hình trong muôn một.Với người Việt Nam, Nguyễn Hoàng là một tên gọi vượt lên trên danh tính nhất định thường tình của một con người. Tính cá nhân đã nhường lại cho tính đại chúng; hình ảnh nhân vật đơn lẻ đã chìm khuất sau bóng dáng của cộng đồng dân tộc. Nguyễn Hoàng được nhắc đến như một tín hiệu đến từ dòng lịch sử dựng nước hào hùng tiến về Nam.Với người dân Quảng Trị, Đông Hà, Gio Linh, Cam Lộ… , kể từ khi ngôi trường trung học đầu tiên của toàn vùng Quảng Trị và phụ cận được thành lập lấy tên là Nguyễn Hoàng, người dân bình thường, giới có học thức khoa bảng cũng như thế hệ trẻ Quảng Trị có thêm niềm tự hào về một “cơ sở văn hiến” ngay trên quê hương mình. Trước đó, học trò Quảng Trị sau khi học hết bậc tiểu học phải vào Huế học tiếp bậc trung học. Chỉ có những gia đình tương đối giàu có mới đủ sức lo cho con vào Huế học. Ngoài ra, đại đa số học sinh Quảng Trị ưu tú, không đủ điều kiện tài trợ “du học Huế” đành bó tay với cấp lớp tiểu học chỉ có trên quê hương mình, ấm ức nhận một “sở học” sơ đẳng vì hoàn cảnh bắt buộc !Bao nhiêu thế hệ học trò đi qua, Nguyễn Hoàng không còn là một danh xưng, một tên gọi bình thường hay “đại húy” của một nhân vật lịch sử đầu nguồn triều Nguyễn…, mà là một tín hiệu đến từ trái tim. Nguyễn Hoàng đối với Quảng Trị mang cùng ý nghĩa với Sorbonne ở Pháp, Cambridge ở Anh, Havard, Berkeley, Stanford ở Mỹ. Đấy là danh vang của nhũng cơ sở giáo dục của địa phương đã đào tạo nhiều nhân tài làm mọi người tự hào và hãnh diện.Sau năm 1975, trường Nguyễn Hoàng bị xóa tên. Đấy là một sự “phí phạm” dáng vẻ cao đẹp của bề dày lịch sử. Người Âu Tây, nhất là người Mỹ “tiết kiệm” những tên gọi đã thành lịch sử, dẫu cho đấy là tên của những nhân vật một thời đã từng xông pha đánh trả, chống lại họ.Trên bình diện lịch sử, chúng ta thử nhận diện Nguyễn Hoàng là nhân vật có công hay có tội với thế đứng ở đâu và như thế nào trong dòng sử Việt.Nguyễn Hoàng là con trai thứ nhì của Nguyễn Kim. Nguyễn Kim nguyên là Tả vệ Ðiện tiền Tướng quân, tước An Thanh Hầu, trông coi đạo Thanh Hóa. Sau khi Mạc Ðăng Dung chiếm ngôi nhà Lê năm 1527, Nguyễn Kim trốn sang Ai Lao. Vua Ai Lao là Sạ Ðẩu cho ở đất Sầm Châu. Nguyễn Kim xây dựng Sầm Châu làm căn cứ địa, chiêu mộ quân sĩ, tìm cách khôi phục nhà Lê.Vào tháng giêng năm quý tỵ (1533), Nguyễn Kim tìm được người con út của Lê Chiêu Tông là Lê Duy Ninh, lúc đó 18 tuổi, lập lên làm vua tức vua Lê Trang Tông, mở đầu cuộc trung hưng nhà Lê. Lê Trang Tông phong Nguyễn Kim làm Thượng phụ thái sư, tước Hưng Quốc Công, trông coi mọi việc trong triều về mặt đối nội cững như đối ngoại. Trịnh Kiểm là một tướng tài đã theo Nguyễn Kim. Nguyễn Kim gả con gái là Ngọc Bảo cho Trịnh Kiểm và được vua Lê phong làm Dực Quận Công. Sau khi Nguyễn Kim từ trần, Trịnh Kiểm lên nắm quyền thay Nguyễn Kim và được vua Lê phong làm Ðô tướng, tiết chế thủy bộ quân, kiêm tổng nội ngoại bình chương quân quốc trọng sự, rồi gia phong Thái sư, tước Lạng Quốc Công.Nguyễn Kim có hai con trai: con trưởng là Nguyễn Uông được phong Lãng Quận Công, con thứ là Nguyễn Hoàng được phong Ðoan Quận Công, cùng giữ binh quyền đi đánh giặc. Trịnh Kiểm nghi kỵ và sợ Nguyễn Uông cùng Nguyễn Hoàng tranh quyền với mình, quyết định ra tay trước và giết Nguyễn Uông. Nguyễn Hoàng dự đoán trước sau ông cũng bị hại, ông nhờ chị là Ngọc Bảo, vợ Trịnh Kiểm xin cho em vào trấn thủ Thuận Hoá, lại ngầm sai người đến vấn kế Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm thì Trạng chỉ vào hòn non bộ, nói: "Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân" (một giải Hoành Sơn dung thân muôn đời). Hiểu được nghĩa lý thâm sâu ở đằng sau câu nói đầy ẩn dụ, Nguyễn Hoàng xin vua Lê vào Nam và được Vua Lê thuận cho vào phương Nam trấn thủ miền địa đầu của đất nước. Trở về Thanh Hóa, ông đem theo các thủ hạ thân tín, đồng hương và các đồng tộc vào Quảng Trị, lập Dinh ở Ái Tử sau gọi là Chính Dinh, thủ phủ của phương Nam.Có thể nói Quảng Trị là “Quê Hương Ân Nghĩa” với Nguyễn Hoàng; và ngược lại thì nhân vật lịch sử Nguyễn Hoàng cũng là ân tổ khai canh ra đất Quảng Trị. Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư thì kể từ khi đặt chân lên dải đất phía Nam của dãi Hoành Sơn, Nguyễn Hoàng chăm lo mở mang và phát triển về mọi mặt của vùng đất nầy. Đặc biệt là hai trấn Thuận, Quảng có một sự vươn lên về nhiều mặt mà cao nhất là pháp lý và đạo lý: “Luật lệ nghiêm tế mà khoan dung, ân huệ nhiều hơn hơn hình phạt. Bậc chăn dân xử phạt công bằng, phát huy và giáo hoá điều tốt, trấn áp kẻ hung ác. Dân trong hai trấn Thuận Quảng người người đều cảm tình, quý đức. Phong tục được đổi từ hủ tục thành mỹ tục; chợ đò không giành dựt, nói thách; nạn trộm cướp tiệt trừ, cổng ngoài không cần đóng. Khách thương nước ngoài đến buôn bán đông đảo, giá cả phải chăng, thuận mua vừa bán. Quân lệnh nghiêm túc, mọi người dân đều được hưởng an vui, hạnh phúc nên ra sức làm việc, chung lo xây dựng.***Lịch sử con người và thế giới là một dòng thay đổi liên tục: Đổi đất, đổi đời và đổi tên. Sự đổi tên công cộng thường xẩy ra khi hoàn cảnh chính trị và địa lý thay đổi. Thông thường, có ba mô thức thay đổi danh xưng: (1) Hiện đại hóa cho thích hợp với nhu cầu và hoàn cảnh; (2) Xoá tên như một sự phủ nhận, trừng phạt; và (3) ghi tên như một sự ghi nhận, vinh danh. Thế nhưng, trong lịch sử thay tên đổi họ xảy ra tại nhiều nơi trên thế giới xưa nay được thể hiện mạnh mẽ và quyết liệt nhất trong hai trường hợp: Vứt bỏ để trừng phạt hay nêu lên để vinh danh! Trường hợp không có sự bó buộc của hai nhu cầu "bỏ" hay "chọn" vì bị xung đột hiển nhiên về mặt chính trị, tôn giáo hay xã hội, giới cầm quyền xã hội khôn ngoan và các nhà lãnh đạo chính trị bản lĩnh sẽ nêu cao tính lịch sử và truyền thống lâu dài lên trên nhu cầu chính trị nhất thời. Thái độ chọn lựa và hành xử của người Mỹ về việc đổi tên trong lịch sử 300 năm lập quốc của họ là một thí dụ điển hình đáng làm cho người dân và giới lãnh đạo nói chung suy nghĩ.Ham thay đổi như người Mỹ, khoái bắn súng như cao bồi Texas, đại ngôn và thích dùng danh từ đao to búa lớn quảng cáo như giới chính trị và kinh doanh tài nguyên ở California thế mà vẫn hành xử rất hài hòa và mã thượng khi thắng trận. Sau khi chiếm được đất đai từ tay người Pháp, người Mễ Tây Cơ, người Da Đỏ rồi, họ vẫn để nguyên tên những thành phố, dòng sông, rặng núi, di tích, trường học mang tên Tây, tên Mễ, tên người Da Đỏ vốn có từ muôn năm cũ. Thậm chí, có nhiều khi đấy lại là tên của kẻ cựu thù cũng chẳng phải là điều đáng quan ngại vì lịch sử đã sang trang và phán xét công bằng. Trường hợp tướng Robert E. Lee của Mỹ trong thời kỳ Nội Chiến (1861-65) là một thí dụ. Lee bị nhiều sử gia phê phán là “xâm lược” miền Bắc, là kẻ ly khai. Nhưng tên ông vẫn được giữ trên các cơ sở và con đường xứ Mỹ. Đi từ thành phố Baton Rouge (tiếng Pháp), Del Paso, Los Angeles, San Francisco (tiếng Mễ Tây Cơ); qua những vùng Cheyennes, Apache, Chippewas (tiếng Da Đỏ) người ta sẽ thấy ngay sự mềm dẽo “giữ tên như giữ chứng tích lịch sử” của giới cầm quyền Mỹ. Chính nội dung và lịch sử làm vinh danh cho cái tên chứ không phải điều ngược lại! Bởi vậy, trả lại tên NGUYỄN HOÀNG và những tên thân yêu cho ngôi trường xưa sẽ là một việc làm rất có ý nghĩa mang đậm tính văn hóa, phát huy tinh thần giáo dục và kết hợp hài hòa về tâm lý.Một thế hệ đàn anh – thế hệ Chiến Tranh Việt Nam… tri thiên mệnh, cổ lai hy đủ cả – đang rủ nhau về đất và sẽ đi hết chặng đường đời không còn xa lắm. Thế hệ đàn em, thế hệ Hậu Chiến Tranh Việt Nam, đang vươn lên lãnh đạo xã hội. Bên cạnh của cải vật chất mà xã hội và đất nước đang có trước mắt, tuổi trẻ Việt Nam cũng tha thiết cần những sức mạnh và gia tài phi vật thể. Đó là truyền thống lâu dài, là di sản truyền đời, là lịch sử kế thừa liên tục của nhiều thế hệ. Mong rằng, sẽ có một ngày, thế hệ đàn anh được dự "lịch sử 100... năm của trường Nguyễn Hoàng và những mái trường xưa" đã mất tên. Trước khi trao lại một bầu trời xanh, một vầng mây ấm và dòng lịch sử luân lưu cho thế hệ đàn em, sẽ còn có một sự đền bù trở lại cho… nỗi niềm mất tên.

Sacramento, ngày Father’s Day - 2008

Trần Kiêm Đoàn

Wednesday, September 21, 2011

THƯ CẢM TẠ CỦA GIA ĐÌNH THẦY LÊ VĂN QUÝT

Hàm Tân, ngày 21 tháng 09 năm 2011
THƯ CẢM TẠ
Gia đình chúng tôi xin chân thành cảm tạ:

- Quý cựu giáo sư trường Trung học Nguyễn Hoàng- Quảng Trị,
- Các Hội ái hữu cựu học sinh Nguyễn Hoàng tại Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Buôn Mê Thuột, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Thuận, Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh, Nguyễn Hoàng Nam Cali, Đặc san Nguyễn Hoàng Bắc Cali…
- Các CHS trường Nguyễn Hoàng tại Tân Hà -Hàm Tân, các tỉnh thành trong nước và ngoài nước.
Đã đến hộ, tụng niệm, phúng viếng, gởi lẵng hoa, điện, thư chia buồn và tiễn đưa linh cữu của cha, ông, cố của chúng tôi là:
Cố Giáo sư LÊ VĂN QUÝT
Từ trần ngày 13 tháng 9 năm 2011- Hưởng thọ 90 tuổi
Đến nơi an nghỉ cuối cùng tại nghĩa trang xã Tân Hà, Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận vào ngày 18 tháng 9 năm 2011.
Tình cảm thuơng yêu chân thành và tôn kính của quý thầy cô và cựu học sinh
khắp mọi miền trong nước và hải ngoại dành cho cha, ông, cố của chúng tôi là niềm hạnh phước vô cùng lớn lao mà gia đình xin tri ân, và bái tạ.
Trong lúc tang gia bối rối, có điều gì sơ suất xin quý vị lượng thứ.
Thay mặt gia đình : Lê Mạnh Minh,Trưởng nam

NGUYỄN HOÀNG ĐÀ NẴNG NHÌN LẠI NĂM QUA

Kính thưa Quý Thầy Cô giáo và các anh chị em đồng môn Nguyễn Hoàng.

Trong năm vừa qua chúng ta vẫn sinh hoạt bình thường. Trước hết ngày 12/9/2010 Ban liên lạc đã tổ chức ôn lại truyền thống ngày khai giảng tại ngôi trường Hoa Phượng Đỏ này với nhã ý của cô Tôn Nữ Băng Tâm. Chúng ta đã thăm viếng ốm đau, chia buồn với tang quyến có người ra đi. Ban liên lạc vẫn duy trì hàng năm đến viếng, thắp hương thầy Thái Mộng Hùng và thầy Tôn Thất Dương Kỳ vào dịp cuối năm âm lịch. Ngoài ra đối với thế hệ trẻ, Ban liên lạc cũng chung tay góp sức với các sinh viên trong chương trình “Tiếp sức mùa thi” giúp đỡ con em Quảng Trị vào dự thi tại đại học Đà Nẵng tháng 7 vừa qua.

Đó là những công việc trong phạm vi thành phố Đà Nẵng. Ngoài ra chúng ta cũng nối kết với các Ban liên lạc ngoại tỉnh như Sài Gòn, Bà Rịa Vũng Tàu. Nhận được giấy mời của các trưởng ban (Nguyễn Văn Trị - Sài Gòn, Bành Phi Lân - Bà Rịa Vũng Tàu) vì quá xa xôi chúng ta không đi được nên chỉ thể hiện tình cảm bằng lẵng hoa chúc mừng.

Những niềm vui nỗi buồn của Thầy Cô giáo và đồng môn Nguyễn Hoàng nơi ngoại tỉnh cũng được chúng ta cùng chia sẻ. Chẳng hạn mừng đám cưới vàng của thầy Thị, cô Nhạn hay sinh nhật lần thứ 90 của thầy Quýt. Quà tặng của Ban liên lạc chỉ hơn 1.000.000đ, nhưng chúng ta đã vận động thêm 9.500.000đ trong thân hữu để phần nào chia sẻ với Ban tổ chức ở Quảng Trị và Bình Thuận để buổi lễ kỷ niệm của thầy Nguyễn Văn Thị, thầy Lê Văn Quýt tăng phần tình cảm sâu đậm. Ban liên lạc chúng ta cũng hướng về những học sinh Nguyễn Hoàng đang bị bệnh ung thư và gặp hoàn cảnh khó khăn ở Quảng Trị để gửi đến họ món quà nhỏ 1.000.000đ gọi là cùng chia sẻ do cô Quỳnh Thủy mang về.

Bên cạnh đó, từng nhóm thân hữu đã có những hoạt động chia vui, sẻ buồn rất tích cực, rất kịp thời với gia đình có chuyện buồn hay có niềm vui, chẳng hạn các nhóm đã quyên tiền để giúp đỡ học sinh Nguyễn Hoàng ở Quảng Trị như chị Hoa, anh Khuyến, anh Tranh, anh Khoa hoặc về Bích La Đông chung vui với gia đình thầy Lê Hữu Thăng, mừng kỷ niệm đám cưới vàng của thầy Lữ, cô Phấn. Anh Nguyễn Lam Sơn đã thay mặt Ban liên lạc mang chiếc xe lăn vào Hàm Tân khi hay tin thầy Lê Văn Quýt bị ngã té. Sau đó cô Bích Hường, cô Ba, cô Liễu đến Bà Rịa thắp hương cho thầy Lê Đình Ngân và vào Hàm Tân thăm thầy Lê Văn Quýt khi nghe thầy bệnh nặng. Các cô cũng đến thăm thầy Lê Văn Tý. Lúc nghe tin thầy Quýt qua đời, Ban liên lạc đã nhờ anh Tuyến trong Ban liên lạc Nguyễn Hoàng Hàm Tân đến phúng điếu (vòng hoa và hiện kim).

Nhìn lại năm qua Ban liên lạc Nguyễn Hoàng ở Đà Nẵng chúng ta đã thực hiện được một số công việc trong tình thân ái. Tuy nhiên ao ước của chúng ta là ngày càng có nhiều hoạt động hơn để cùng nhau kịp thời thể hiện tình cảm thầy trò, tình cảm đồng môn Nguyễn Hoàng. Mong tất cả chúng ta cùng đóng góp cho ý tưởng này.

Năm nay, mặc dầu cô Băng Tâm đã chuyển công tác, nhưng cô giáo Hiệu Trưởng mới là cô Đàm Thị Loan cũng dành ưu ái cho Ban liên lạc Nguyễn Hoàng chúng ta có chỗ họp mặt rất thuận lợi. Thay mặt Ban liên lạc, chúng tôi gửi lời cảm ơn Ban giám hiệu trường Hoa Phượng Đỏ và trân trọng kính chào tất cả.

Monday, September 19, 2011

Hoàng Lê Nguyễn - Thương tưởng

THƯƠNG TƯỞNG 1

Tôi trở về quê Cha đất Mẹ
Tìm lối xưa trường cũ năm nào
Làm sao quên thời đi học
Hưng Đạo quẹo Quang Trung đến Nguyễn Hoàng
Hàng phượng vĩ vẩy chào bạn cũ
Vai phủ bụi đường, tóc điểm sương
Chân tha phương, lòng quê mẹ
Tôi trở về bên Bè Bạn Thầy Cô
Rồi cố tìm quanh đây kỷ niệm
Của cái thời áo trắng năm xưa
Nguyễn Hoàng ơi! Nói sao vừa
Trường, Bạn xưa của ta, ngày trở lại...



THƯƠNG TƯỞNG 2

Tháng Tám nắng vàng hanh hanh má
Ngày Tư đông như hội khai trường
Thầy Cô, Bạn Bè, Quê Hương
Tóc bạc da nhăn, ba lăm năm đã...
Kẻ bôn ba quê người xứ lạ
Đứa tảo tần lam lũ quê nhà
Ai!!! đã...đi xa mãi mãi?
Vẫn như là đang có mặt hôm nay
Tay xiết chặt tay, mặt nhìn mặt
Miệng nói môi cười mắt lệ rơi!
Nguyễn Hoàng ơi! Cho ta nhớ
Ta THƯƠNG TƯỞNG mang hết dỉ vảng về
Nghiêm điềm trong dáng vẻ oai phong
Hiệu trưởng (1) trường tôi trước văn phòng.
Ngồi đằng tê! Bên chồng sách
Thầy Thạch hao gầy vầng trán suy tư
Thưa Thầy! hình như Thầy đang khóc
Khóc Bạn cũ áng thơ Văn Lữ!!!
Chữ nghiêng sầu dạ "Tiếc Thương" (2)
Vấn vương cỏi đời, than ôi! Cát bụi...
A!!! Thầy Mãn về!!! Tụi bây ơi!!!
Đôi môi nở nụ cười sâu lắng
Thầy đến rồi đi thầm lặng
Vắng ai? Ai còn? Còn lại vắng ai?!?
Một phút thôi: Gió ơi ngừng thổi!
Một phút thôi: Mây ơi ngừng trôi!
Lặng đứng bên tôi: THƯƠNG TƯỞNG
Thương tưởng công Thầy, nghĩa Bạn, ơn Cô...


(1) Thầy Hiệu trưởng Thái Mộng Hùng
(2) Bài "Tiếc Thương" của Thầy Lữ viết tặng Bạn khi thầy Thạch mất.



Hoàng Lê Nguyễn vấn an thầy Quýt


Thầy Quýt chụp chung với học trò: Anh Ân, anh Mượn, chị Ba, Bích Hường, Liễu, Hoàng và một số anh chị NH khác.


THƯƠNG TƯỞNG 3


Thương kính nhớ thầy

Đà Nẵng chiều ni trời râm gió nhẹ
Theo gió về tin thầy đã ra đi!
Tân Hà hởi! Lagi ơi!
Thầy tui răng mau rứa?
Thoảng mới đây thôi, Thầy ơi!
Tháng báo ân, các con vẫn bên Thầy
Hoàng, Mượn, Liểu, Ba, cả Bích Hường
Than ôi! Giờ âm dương cách biệt
Con lại xa gần ngàn dặm Thầy ơi!
Cúi lạy mong xin Thầy tha tội
Con sẽ về mai nữa đây thôi
Quỳ đốt nén hương ngày mở cửa
Giữa Mộ phần khi cỏ chưa xanh
Thành tâm cầu xin tiếp dẫn
Hương linh Thầy về đến cõi Tây Phương

HOÀNG LÊ NGUYỄN
BR-VT
hoang256lenguyenvt@gmail.com
hoang256lenguyen@yahoo.com.vn
ĐT: 0643 907 707
DĐ: 0983 064 098







Sunday, September 18, 2011

Ai từ Thầy Lê Văn Quýt

Điếu văn của Thầy Hoàng Đằng

Thầy ơi,

Trời Quảng Trị đang mưa, những cơn mưa đầu mùa. Và những học trò, những đồng nghiệp của Thầy ở Quảng Trị cũng đang bùi ngùi ứa lệ vì hay tin Thầy bỏ cõi trần này về với Ông Bà Tổ Tiên.

Thầy ơi,

Suốt gần 90 năm trên trần thế, Thầy lúc nào cũng dành tấm lòng cho tuổi trẻ. Từ những năm cuối thập kỷ 1940, với trình độ học vấn như Thầy, không thiếu gì công việc có quyền, có chức, có lợi, có lộc, Thầy lại chọn nghề giáo viên ở một ngôi trường tranh tre nứa lá tại Đông Hà để đem cái chữ, cái văn hóa, cái ánh sáng văn minh cho một lớp thanh thiếu niên mới hồi cư sau cơn binh lửa khi giặc Pháp trở lại quyết đánh chiếm nước ta một lần nữa.

Rồi Thầy vào Quảng Trị góp tay đặt những viên gạch đầu tiên xây dựng bậc trung học cho con em tỉnh nhà, cũng trong một ngôi trường còn tạm bợ. Những lứa học trò ấy bây giờ, còn thì ít mất thì nhiều, tuổi tác đều trên dưới 80, luôn luôn nói lại cho con, cháu, chắt của họ hình ảnh một Thầy Quýt mẫu mực trong cư xử, tận tụy trong công việc, khoan dung với môn sinh.

Thầy ơi,

Rồi do hoàn cảnh bắt buộc, Thầy bỏ trường bỏ lớp ra đi, mãi đến thập kỷ 1960 mới trở lại. Đối với học sinh, so tuổi đời, Thầy đã đáng bậc cha, bậc chú. Đối với đồng nghiệp, Thầy đã xứng vai anh cả, chị đầu. Vậy mà Thầy đến trường, đến lớp, lặng lẽ, khiêm tốn. Những giờ ngoại ngữ: tiếng Pháp, tiếng Anh của Thầy luôn luôn sinh động, lớp học ríu rít như đàn chim non tập hót. Không những truyền thụ kiến thức, Thầy còn truyền thụ lối sống ngăn nắp qua cách trình bày chữ viết, vở bài học, vở bài tập, cấu tứ lập ngôn một bài luận văn. Từ ngày “Hương Quê Nhà”, “Trường Nguyễn Hoàng: Chân Dung & Kỷ Niệm” ra đời, đã có nhiều đồng nghiệp, nhiều môn sinh viết về Thầy với tấm lòng chân thành chan chứa kính phục, yêu thương, trìu mến.

Thầy ơi,

Những tưởng trong môi trường giáo dục ấy, Thầy và trò sẽ mãi có những tháng ngày êm đềm. Nào ngờ cuộc chiến khốc liệt đã hất tung chúng ta ra muôn nơi, đẩy chúng ta vào con đường phiêu bạt, Thầy một nơi, trò một ngả.

Thầy đến đất Láng Gòn, chốn rừng rú thâm u, khi tuổi đời đã “tri thiên mạng”. Ở cái tuổi mà đáng ra được thảnh thơi để chuẩn bị hưu trí, Thầy lại phải vất vả. Đêm đêm, trong lán trại rét lạnh, trằn trọc nghe từng cơn mưa khi rả rít khi xối xả rơi, từng tiếng côn trùng rên rỉ như thầm trách đời sao oan nghiệt, từng tiếng thú rừng gầm rú như dọa đuổi lũ người đến xâm cư. Ngày ngày, mồ hôi nhễ nhãi, dầm mình dưới nắng trưa, cuốc nương phát rẫy, leo núi lội rừng.

Trong thời gian này, Thầy đến với trường Nguyễn Phúc Chu. Cùng các lứa đồng nghiệp hàng em, hàng con, hàng cháu, xây dựng bậc trung học cho con em Quảng Trị và Binh Định – Quảng Ngãi đang tị nạn chiến tranh. Năm học mới đi vào ổn định. Trường lớp còn bố trí tạm thời. “Cours de langue ...” và “English for today” Thầy đang giảng dở. thì lịch sử sang trang ... Cuộc sống của Thầy thêm phần vất vả.

Nhưng Thầy ơi,

“Hoàng thiên bất phụ hảo tâm nhân”. Những năm gần đây, Thầy sống trong vòng tay đan dệt tình cảm của học trò nhiều thế hệ. Người xa hỏi han; người gần thăm viếng. Học trò của Thầy như chim lạc bầy đã kết thành từng đàn đây đó. Mỗi lần, anh em trong ấy họp mặt đều nghe tin Thầy đến dự. Thế là mừng; biét Thầy còn khỏe. Mà mong Thầy khỏe thôi vì Thầy là gốc vững để ngọn ngành vươn xa trĩu hoa nặng trái. Tiếc rằng qua 2 lần họp mặt ở Quảng Trị quê nhà, chúng con chưa có dịp đón Thầy. Dầu sao, qua những trang thư, Thầy đã bày tỏ tấm lòng với người và đất Quảng Trị.

Thầy ơi,

Vẫn biết cuộc sống này chỉ là tạm bợ, lắm chuyện vô thường. Vậy mà mấy hôm nay hình ảnh Thầy vẫn cứ làm chúng con bồi hồi trong dạ. Người may mắn gặp lại Thầy rồi thì tiếc: từ đây không còn gặp nữa; người chưa có dịp gặp lại Thầy thì hối hận: thế là hết rồi cơ hội.

Trong niềm thương tiếc vô hạn, từ nơi quê nhà xa xôi, chúng con xin đốt nén hương lòng vọng bái tiễn đưa Thầy về nơi an giấc ngàn thu.

Mong Thầy chứng giám!

Ngày 18/8/Tân Mão

(15/9/2011)

TM. Gia Đình Nguyễn Hoàng ở Quảng Trị

Hoàng Đằng


&&&


TÂM TÌNH LẦN CUỐI VỚI THẦY

Tiếng nói từ trái tim của Ái hữu CHS Nguyễn Hoàng - Saigòn.

Thầy ơi! Hôm nay chúng em về đây thắp nén hương trước linh cữu thầy. Thầy nằm đó, trò đứng đây mà mãi mãi chúng em không còn được bàn tay mềm mại, ấm áp của thầy ôm choàng trìu mến. Mới hôm nào đây, tất cả cùng nhau vui mừng chúc thọ thầy 90 vẫn còn minh mẫn và tráng kiện, mới hôm nào thầy trò vui vẻ gặp nhau trong buổi họp mặt NH Bà Rịa Vũng Tàu. Vậy mà nay thầy không còn nữa!

Là CHS Nguyễn Hoàng- học trò cũ của thầy- ai lại không đau xót khi hay tin thầy vĩnh viễn ra đi. Hình ảnh uy nghi của người gieo hạt cần mẫn qua bao thế hệ học trò, có người nào lại không ghi nhớ?

Thầy đã truyền cho chúng em tri thức, thầy đã dạy cho chúng em sự mẫu mực, tình thương yêu gắn bó thầy trò bằng hữu. Thầy dạy chúng em không chỉ khi còn dưới mái học đường mà ngay cả lúc chúng em đã trưởng thành. Những bài học lớn chúng em học được từ thầy không chỉ qua lời giảng mà còn qua cách sống chan hoà tình nhân ái của chính thầy- Một nhà giáo với nhân cách lớn.

Chúng em đã hạnh phúc biết bao, khi chừng này tuổi đời vẫn còn được quây quần bên thầy, được bảo ban, thăm hỏi mỗi lần gặp gỡ. Nhớ đến thầy là nhớ đến nguời có dáng dấp thanh nhã, đi đứng khoan thai, y phục luôn chỉnh tề thẳng mượt, lời ăn tiếng nói lịch thiệp, cẩn trọng. Giờ học của thầy luôn sinh động với hoạt động tương tác giữa người học và nguời dạy nên luôn làm cả lớp hào hứng. Cách đây 40, 50 năm mà đã có một lối dạy ngoại ngữ bài bản và sáng tạo như thế tại một ngôi truờng ở một tỉnh nhỏ như Quảng trị quả là một điều thú vị hiếm có. Thầy tận tâm uốn nắn học trò viết thật đúng, phát âm thật chuẩn từng câu từ tiếng Anh, tiếng Pháp đến nổi chúng em học thuộc lòng những bài thơ và tiến bộ thật nhanh qua cách dạy của thầy! Sự đòi hỏi tập trung cao độ để tiếp thu bài học, cẩn thận từng gạch kẻ đến chữ viết của thầy mãi mãi là bài học quý giá không những cho chính chúng em, mà còn trở thành “bí quyết” học ngoại ngữ để chúng em truyền đạt lại cho con cháu cùa mình.

Thầy ơi! Thầy đã để lại cho chúng em quá nhiều ân sâu nghĩa nặng. Vẫn biết quy luật tạo hóa có sinh phải có tử. Nhưng liên tưởng đến con đò tri thức còn đây, mà người lái đò ra đi mãi mãi, chúng em nghe nhói trong lòng.

Còn đâu nữa trên đời này hình ảnh dịu dàng thân thương của người Thầy, người Cha độ lượng. Ngày xưa trò còn nhỏ thì dìu dắt, dạy dỗ, đến khi trò khôn lớn trưởng thành thì ân cần lắng nghe, chia xẻ. Cả cuộc đời thầy đã sống và thở với nhịp đập của trái tim Nguyễn Hoàng, và chúng em càng yêu càng quý Nguyễn Hoàng hơn qua hình ảnh của thầy đó thầy ơi!

Trò đi muôn dặm núi non

Vượt bao sông biển thầy còn trông theo

Cám ơn về những hạt gieo

Nay thành cây lớn về theo gió ngàn

Người gieo hạt đã an nhiên về với cõi vĩnh hằng, nơi đó có Mẹ Minh Triết Nguyễn Hoàng đang dang tay đón đợi. Chúng em xin thắp nén hương vĩnh biệt Thầy- người Thầy mãi mãi là tấm gương sáng của chúng em.


&&&


Điếu Văn Thầy Lê Văn Quýt

Nhóm CHS/NH tại Đồng Nai

Thầy ơi!

Một ngôi sao sáng vừa băng qua bầu trời hôm nay.

Dẫu biết rằng đời người như giấc mộng. Mấy ai đi hết trăm năm?

Dẫu biết rằng với số tuổi 90, Thầy đã là thượng thọ.

Dẫu biết rằng với tuổi già sức yếu thì một ngày nào đó Thầy sẽ phải lìa bỏ thế gian, nhưng sao khi nghe tin Thầy qua đời lòng chúng con cứ mãi bàng hoàng đau xót.

Thầy ơi!

Mới ngày nào chúng con - nhóm nhỏ cựu học sinh Nguyễn Hoàng tại Đồng Nai mừng đón thầy về hội ngộ trường xưa, thầy bạn cũ nơi đất khách. Ánh mắt thầy mới vui tươi làm sao! Đôi chân thầy không thể ngồi yên mà cứ đi quanh hết hội trường, bàn tay nhiệt thành ấm nóng của Thầy cầm những bàn tay của đồng nghiệp cũ, học trò xưa với những lời hỏi han ân cần xiết bao trìu mến. Trái tim Thầy bao la quá! Thầy như muốn ôm cả tập thể Nguyễn Hoàng vào lòng để những ngọn lửa tim cùng bừng sáng.

Thầy ơi!

Mới ngày nào chúng con cùng nhau tụ hội về nơi đây để mừng thầy thượng thọ. Trong không khí vui vầy của nhà hàng Hợp Phố, Thầy đã xuất hiện trước mặt chúng con trong y phục truyền thống như một tiên ông cốt cách phiêu diêu. Lời nói Thầy vẫn rõ ràng đầy tình nghĩa lôi cuốn làm cảm động người nghe. Rồi những lần hội ngộ Nguyễn Hoàng gần đây, từ Saigon tân niên cho đến Bà Rịa -Vũng Tàu ngày hè hội ngộ, thầy đều tìm đến. Thầy đã không quản ngại đường xa, không nề hà tuổi già sức yếu. Thầy luôn có mặt để thắp lửa cho chúng con. Trong vòng tay thân ái Nguyễn Hoàng, Thầy lại đi quanh chào hết học trò không kể lạ, quen khiến ai được cầm bàn tay già nua của Thầy cũng bồi hồi xúc động.

Thế mà sau ngày hội ngộ ấy chẳng bao lâu chúng con nghe Thầy ngã bệnh. Từ khắp nẻo đường quê, học trò cũ đã tìm về ngôi nhà nhỏ đơn sơ để thăm viếng Thầy. Nhóm nhỏ chúng con cũng vội vàng tìm về. Thầy đã yếu lắm nhưng đôi mắt thầy vẫn nhận ra từng học trò, thầy gọi tên từng người, cầm tay từng người để hỏi thăm gia đình, sức khoẻ,… dù giọng nói thầy đã hụt hơi, không còn tròn chữ. Nhìn Thầy, chúng con xót xa lắm nhưng phải cố nén nỗi đau để cùng Thầy hàn huyên vui vẻ, nhưng ánh mắt chúng con ngầm bảo nhau rằng có lẽ đây là lần cuối chúng mình được trò chuyện cùng Thầy.

Và quả là như thế. Sức lực của Thầy như ngọn lửa trong chiếc đèn cạn dầu, ngày một leo lét và rồi đến một ngày thì ngọn lửa kia đã tắt, mắt thầy đã vĩnh viễn khép lại. Từ nay những hình ảnh thân quen và bầu trời xanh không còn trong đôi mắt của Thầy nữa. Từ nay chúng con không còn nghe được những lời giáo huấn, những lời bảo ban, thăm hỏi ân cần của Thầy nữa. Từ nay chúng con không còn được cầm bàn tay già nua mà ấm cúng của Thầy trong những lần hội ngộ Nguyễn Hoàng nữa. Thầy đã đi rồi. Mãi mãi xa lìa nhân thế. Gia đình mất đi người ông, người cha tốt. Xã hội mất đi một nhân cách lớn. Nguyễn Hoàng mất đi một đại thụ toả bóng, một điểm hội tụ của những ngọn lửa tim thầy xưa bạn cũ. Chúng con mất Thầy - Một người Thầy kính yêu, suốt đời hết lòng hết sức vì học trò.

Thầy ơi!

Biết rằng chẳng thể sống đời

Hữu sinh hữu tử - Ấy lời chẳng sai

Mà sao dạ cứ ai hoài

Ngước trông di ảnh, lệ dài tiếc thương

Thầy đi bỏ lại tên trường

Bỏ đàn chim lạc mấy phương đau buồn

Thôi rồi tắt một vầng dương

Thôi rồi đã đến con đường biệt lyNgàn năm sau, vết chân di

Vẫn còn nhớ mãi Người đi hôm này

Bên trời cánh hạc vút bay

Thầy về tiên cảnh theo mây ngàn trùng

Tiễn Thầy mắt lệ rưng rưng

Thầy ơi!

Thầy ơi!

Trong niềm thương tiếc vô hạn, chúng con xin nuốt nước mắt vào lòng để cùng nhau hiệp tâm cầu nguyện cho anh linh Thầy được an vui miền cực lạc.

Chúng con nghĩ rằng Thầy sẽ về với bầu trời có những toà nhà bằng ngọc bích sáng chói với Mẹ Nguyễn Hoàng Minh Triết, như trong bài viết về giấc mơ tiên cảnh của Thầy hôm nào.

Chúng con xin cúi đầu vĩnh biệt Thầy!

Nhóm CHS/NH tại Đồng Nai




Thursday, September 15, 2011

Thơ Điếu Thầy Lê Văn Quýt ( Xướng và 8 Họa )

Xướng

TIỄN THẦY


Bái từ, cung kính viết vần thơ,
Tiễn bóng hoàng hôn ngã cuối bờ
Mắt ướt mi sầu rươm lệ nhớ
Lòng buồn dạ xót réo âm tơ

Điện Bàn, đâu nữa mong người khuất
Quảng Trị, từ đây đợi mắt mờ …
- Phụ, câu vào đời tuổi ngọc
Ơn nầy cao ngút… dễ nào ngơ !

Hạ Thái
Trần Quốc Phiệt

Ca,USA



Họa 1

KHÓC THẦY LÊ VĂN QUÝT


Hết mong gặp gỡ lệ hồn thơ!
M
ới đó mà sao quá vãng bờ
Biển nhớ xót xa con nước cạn
Bờ thương ngơ ngẩn ánh giăng tơ
Hàm tân v
ướng lệ trăng che lối
Quảng trị lâm sầu cát bụi mờ
Tiếc nuối yêu thương vừa mới ngỏ
Trò Thầy sao nỡ dễ làm ngơ!

14/9/2011.
Tr
ương Văn Lũy


Họa 2

MỘT NÉN HƯƠNG
Họa bài Tiễn Thầy
của thi huynh Hạ Thái


Tiễn Thầy xin họa tiếp bài thơ,
G
ửi tự phương xa vượt bến bờ.
Đốt nén thành tâm vay ngọn bút,
Dâng câu thiện ý mượn đường tơ (*)
Ng
ười đi để lại nhiều gương sáng,
K
ẻ ở trông theo lắm lệ mờ.
Dẫu biết biệt ly rồi cũng phải,
Mà sao buồn xác ngẩn, hồn ngơ.

New York City
Sep 14, 2011
Nguy
ễn Tường

(*) đường in - tơ- nét


Họa 3

Xin Kính Họa
Tiễn Thầy
của Hạ Thái-Trần Quốc Phiệt


Trân trọng giải bày nét bút thơ
Ti
ễn thầy yên vị lạc an bờ
Cao niên thượng trưởng bền duyên kết
Đại lão tôn sư đậm tóc tơ
Thanh th
ản giã từ đời tạm bợ
Êm đềm vĩnh biệt cõi mù mờ
Thanh danh muôn thuở truyền nhân thế
Môn đệ ngậm ngùi xót ngẩn ngơ

Nha trang,15.9.2011
Võ Sĩ Quý


Họa 4

Họa thơ khóc thầy:

TỬ BIỆT SINH LY


Hôm nào viết gởi những dòng thơ

Mừng tuổi thầy tôi thọ bến bờ

Một kiếp vương mang bao nghiệp dĩ

Muôn đời vương lụy phận tằm tơ

Hồng trần cảnh giới buông tay trắng

Nẻo Phật nghìn thu rủ bóng mờ

Tử biệt thầy ơi sao níu lại

Sinh ly hai ngã dạ sầu ngơ

Quang Tuyết


Họa 5

MỘT NÉN TÂM HƯƠNG

TIỄN THẦY


Đau buồn nghe buốt cả dòng thơ

Phút chốc đã xa mấy bến bờ !

Đại thụ vươn mình xòe bóng c

Trí nhân "gieo hạt" dệt đường tơ

Bàng hoàng mây nước Điện Bàn biệt

Tê tái núi sông Quảng Trị mờ !

Trả hết cho đời chừng nhẹ nhỏm

Đến hồi rủ hết ...phải làm ngơ !!!

Tâm Giao
Nguyễn Văn Tương

(15/9/2011)


Họa 6

TẤC THÀNH


Biết Thầy hòa mộng những trang thơ

Giác Ngạn thuyền neo đã đến bờ

Sống giữa Hàm Tân tình có bạn

Thương về Quảng Trị ruột vò tơ

Mái trường thuở ấy đà tan nát

Bục giảng ngày xưa khó xóa m

Siêu thoát gọi hồn chi chút vướng

Uổng vì thế cuộc chán tai ngơ

Linh Đàn

phụng bút



Họa 7

Tiễn Thầy


Tình nghĩa thầy trò đẹp vận thơ

Bao năm xa cách nhớ vô bờ

Bỗng nhìn tin nhắn qua đường mạng

Như tưởng đàn hòa lạc phiếm tơ

Sinh ký một thời tròn giấc mộng

Tử quy muôn thuở vẹn niềm mơ

Thiều quang chín chục xưa nay hiếm

Biết vậy nhưng mà cứ ngẩn ngơ.

Lê Ngọc Kha



Họa 8

Bài Thơ Tiễn Biệt


Đời Thầy đẹp vận tựa bài thơ,

Chín chặng thuyền qua đã đến bờ.

Tiễn gót biển gào vang điệu nhạc,

Đón hồn núi điểm sáng màn tơ.

Tiếng thơm tỏa ngát lời êm ái,

Gương tốt xua tan bóng mịt mờ.

Mãn nguyện người đi cười hí hửng,

Thầm mong kẻ ở đứng ngu ngơ.

N.Y.C. Sep 15, 2011

Nguyễn Tường