Tuesday, November 29, 2011

Thư của Đinh Trọng Phúc

Đáng vinh danh thay những bậc thầy cô đã dạy con trẻ nên người,  cha mẹ cho chúng hình hài nhưng chính thầy cô đã ban cho chúng  cách sống tốt  với đời.
Aristote
  
Hôm nay đọc tin cựu học sinh NH  64-71 ngay 20 /11/2011 đã làm lễ Tri ân Cô Thầy tại Huế ,  chúng tôi thật mừng và xúc động với tình nghĩa keo sơn gắn bó của học sinh NH đối với công ơn thầy cô.  Rõ ràng tình thầy trò trường Trung học Nguyễn Hoàng qua bao thập niên nay không bao giờ phai nhat dù thời gian có trôi mãi vô cùng . Biết bao vật đổi sao dời, biết bao tang thương nhân thế nhưng lạ thay tình cảm Nguyễn Hoàng giữa thầy trò, giữa bằng hữu đồng môn lúc nào cũng đậm đà khắn khít. Những năm gần đây, càng xa cái mốc thời gian -với cái ngày tan tác của trường xưa - thì hoạt động KÍNH THẦY NHỚ CÔ TƯƠNG THÂN TƯƠNG TRỢ giữa các đồng môn cựu học sinh Nguyễn  Hoàng lại càng "nở rộ" khắp nơi trong cũng như ngoài nước.

    Một ví dụ thưc tế và gần nhất  làm chúng tôi càng xúc động hơn khi các anh chị em NH đang vui vẻ với cuộc lễ TRI ÂN THẦY CÔ lại không quên một người thầy  đang ốm đau một mình nằm ở bệnh viện trung ương Huế. Nhìn hình ảnh  thầy Lê ngọc Dinh hiện tại như lời anh chị em NH 64-71 "sao tương phản quá so với bốn mươi  năm qua" !  - Ôi  thời gian sao nghiệt ngã quá  !  thoắt đó thoắt đây như "bóng câu quả cửa sổ",  biết bao mái đầu xanh ngày đó, chơt giật mình tóc ai nấy đều đã nhuộm tuyết sương.


  Thưa thầy, thầy có biết không? mới mấy hôm qua , trong một lớp học chính trị tại xứ người khi  em nghe nói về Parliament và Parliament Act,  Anh quốc em chợt nhớ đến hình bóng thầy bốn mươi năm trước đang dạy lớp THẾ GIỚI SỬ  cho chúng em . Cũng giọng nói sang sảng của thầy về CHẾ ĐỘ ĐẠI NGHỊ ANH QUỐC - cùng Parliment Act ...dáng thầy dong dỏng cao,nước da ngăm ngăm  của thầy mỗi khi  lên lớp Sử . Và cứ mỗi lần nghe  lại những từ CHẾ ĐỘ ĐẠI NGHỊ em lại liên tưởng đến hình bóng Thầy xưa, cùng thanh âm ngày tháng cũ MỘT CHÍN BẢY HAI.

Mỗi năm tại Hoa kỳ vào  thứ Năm cuối cùng của tháng Mười Một người dân Mỹ quốc tổ chức lễ Tạ Ơn (Thanksgiving) thật rầm rộ, lạ thay tại Việt Nam cứ vào ngày 20 tháng Mười Một cũng có lễ Tạ Ơn Nhà Giáo. Thế mới biết công lao dạy dỗ của các Nhà Giáo quan trọng biết dường nào !

Ân cần thăm viếng thầy cô là thái độ biết ơn của học trò nói chung trong đó có tập thể cựu học sinh trường trung học Nguyễn Hoàng nói riêng. Lòng biết ơn này càng đáng hoan nghênh khi các anh chị em biết tìm đến bên thầy cô đang lâm bệnh là việc làm đúng ý nghĩa và đúng lúc nhất.


Mùa lễ đang về chúng em những cựu học sinh Nguyễn Hoàng cũ mong ơn trên cho Thầy chóng lành bệnh, sức khỏe tái khang kiện để đón cái tết Nhâm Thìn 2012 đang đến trên quê hương nước Việt

hải ngoại mùa Thanksgiving 24/11/ 2011

Đinh Trọng Phúc
Trần Thị Túy Huệ


http://vn.360plus.yahoo.com/alot132003/

DHL

Thursday, November 24, 2011

Thơ xướng họa chào mừng ngày họp mặt 60 năm thành lập trường Nguyễn Hoàng

Bài xướng của Lê Đình Lộng Chương

CHUNG LẠI BƯỚC ĐƯỜNG  

Viết cho ngày họp mặt 60 năm thành lập trường NH

(Thể liên hoàn nhị thủ)

Từ thuở Trường  tan - Bạn  lạc đường...
Trông vời Phố cũ, khói mù vương!
Hoa vàng  Mai  Lĩnh phai hương sắc,
Áo trắng  Nguyễn Hoàng nhạt  nắng sương...
...Nay trở về đây - muôn hướng  gọi,
Giờ tìm  nhắc lại  một  trời  thương.
Bao nhiêu thân ái  thời  đèn sách,
Tay nắm  cùng chung bước đến trường...
*
Tay nắm cùng chung bước đến trường
Cánh chim bạt gió tự ngàn phương...
Tâm tư  thấp thoáng hình tôn nữ
Kỷ niệm đọng đầy  góc cố hương.
Chớp mắt - khó ngăn dòng cảm xúc,
Bạc đầu - đã hiểu chuyện vô thường...
Nỗi niềm hội ngộ  rưng rưng nhớ!
Những  bóng người đi buổi nhiễu nhương!...

Lê Đình Lộng Chương



Bài họa của Tâm Giao Nguyễn Văn Tương                                  

TRỞ LẠI TÌM NHAU

                                    Dõi mắt tìm nhau vạn nẻo đường
                                    Thâm tình mái ấm vẫn vương vương!
                                    Nguyễn Hoàng trường cũ còn đâu nữa?
                                    Quảng Trị quê xưa khuất gió sương…
                                    …Xao xuyến giờ nghe lời nhắc nhớ
                                    Dạt dào bổng dậy nổi niềm thương!
                                    Nôn nao kỉ niệm xưa ùa đến,
                                    Thương biết bao nhiêu một mái trường!
                                   *
                                    Thương biết bao nhiêu một mái trường!
                                    Tháng ngày lưu lạc khắp muôn phương…
                                    Lung linh tâm thức trời mây nước
                                    Man mác bên đời mờ sắc hương.
                                    Trãi mấy thăng trầm nên chí cả,
                                    Vượt bao hoạn nạn hóa phi thường!…
                                    Hãy về  ấm lại tình xưa ấy,
                                    Thôi chớ trách gì  nhiễu với nhương!
                                                Tâm Giao Nguyễn Văn Tương
                                                   ( Bà Rịa 22/11/2011)

Wednesday, November 23, 2011

Thư của Thầy Trần Kiêm Đoàn gửi Thầy Đỗ trinh Huệ

Thầy Đỗ Trinh Huệ ơi,

Lâu lắm Thầy mới xuất hiện với anh em. Còn nhớ mẵi hồi tôi mới ra dạy Nguyễn Hoàng vào năm 1970, Thầy Huệ là phụ tá giám học chia thời khóa biểu cho giáo sư toàn trường. Chính tôi cũng như mấy thầy cô gốc Huế vẫn thường níu áo Thầy Huệ nhờ chia giờ dạy tránh ngày thứ Sáu để vào Huế được 3 ngày cuối tuần. Sau đó Thầy thuyên chuyển vô Huế đến bây giờ vẫn chưa gặp lại. Nhớ “những ngày xưa thân ái” quá Thầy Huệ hè!

Nhân được nhìn lại những hình ảnh của quý Thầy Cô và học sinh NH trong ngày Thầy Giáo 20-11 thật là đầy thú vị và cảm kích. Xin cám ơn Ban Tổ chức đã chuyển tiếp tin tức rất chu đáo.

Nhân tiện, rất cám ơn Thầy Huệ đã nhắc đến tên tác giả của 2 câu đối mà người ta đã gán cho Cao Bá Quát. Thầy Huệ dạy Pháp Văn đỡ rắc rối hơn tụi tui dạy Quốc Văn nhiều. Ngay như Cao Bá Quát (1809-1855) và Trần Tế Xương (1870-1909) đều là các tác giả thế kỷ 19 thế mà đều bị gán cho những bài thơ, câu đối tùy hứng của dân gian. Ngay như sử chép CBQ bị Suất đội Đinh Thế Quang bắn chết trong cuộc khởi nghĩa Mỹ năm 1855, thế mà đời sau cũng gán CBQ đã làm 2 câu thơ: “Ba hồi trống giục đù cha kiếp; một nhát gươm thiêng đéo mẹ đời…” khi ra pháp trường. Hoặc “Một chiếc cùm lim chân có đế; ba vòng xích sắt bước thì vương…” Và theo các nhà văn học sử như Dương Quảng Hàm, Vũ Khiêu, Nguyễn Q Thắng, Hà Tiến Lãng, Đỗ Huy Dư… thì chung quanh 1353 bài thơ và 21 bài văn xuôi còn lại của CBQ thì còn có nhiều câu thơ và câu đối gán ghép cho tác giả "Tài Tử Đa Cùng Phú" nhiều khi ngớ ngẩn đến độ vô tình. Và cũng theo Hà T Lãng , ĐHD thì hai câu đối: “Nhà cỏ ba gian: Một thầy, một cô, một chó cái. Học trò dăm đứa: Nửa người, nửa ngợm, nửa đười ươi” là hai câu với ý nghĩa vụng về và chữ nghĩa dung tục, danh xưng bất nhất đến thế mà lại đem gán cho một bậc tài hoa như Cao Bá Quát là một sự xúc phạm. Nếu có ưng gán thì gán cho nhân vật tài hoa lãng tử ưa nghịch nghịch, tếu tếu như Trần Tế Xương còn có thể “OK” được!

Tôi đồng ý với quan điểm văn học nầy vì văn thơ CBQ hoàn toàn nặng tính biểu tương; chứ không hiện thực như TTX.

Thầy Huệ ơi!
Văn chương tự cổ vô bằng cớ nên nói ra còn lắm sự mắc mớ, tam sao thất bổn. Nhưng chuyện văn chương bát cổ là chuyện thiên hạ. Riêng anh em mình với tình đồng nghiệp và bằng hữu mà Thầy Huệ chịu khó nhắc nhở như rứa là TKĐ xin thành thật cám ơn vô cùng. Xin hẹn sang năm về Huế thăm anh Huệ sẽ tâm sự nhiều hơn nghe.
Xin kính lời thăm chị và gia đình.
Quý mến chúc tất cả quý Thầy Cô và Anh Chị Em trong đại gia đình NH sức khỏe và an lạc.

TK Đoàn

Sunday, November 20, 2011

MÁI ẤM NGUYỄN HOÀNG

Hôm nay là Ngày Nhà Giáo – 20-11-2011 – tại Việt Nam.

Mỹ lại chọn Ngày thứ Ba của tuần đầu tiên đủ 7 ngày (full week) trong tháng Năm làm Ngày Nhà Giáo hàng năm. Như năm nay thì Ngày Nhà Giáo Mỹ rơi vào ngày 3-5-2011. Theo tạp chí nổi tiếng Forbes thì khoảng từ 3 đến 5 nghìn học sinh, sinh viên Mỹ mới có một đứa biết Ngày Nhà Giáo (The Teachers’ Day)!

Lịch sử nhà giáo có mặt cùng với lịch sử loài người vì lịch sử văn minh của con người từ thượng cổ đến ngày nay là một quá trình “Dĩ học dũ ngu” – Lấy cái học để đuổi cái dốt – Xã hội càng có quy củ văn hiến cao chừng nào, thì khuynh hướng “tôn sư trọng đạo” càng được đề cao chừng đó. Đã có một thời, vị thế của người thầy giáo đứng trên cả cha mẹ – Quân, Sư, Phụ – đã trở thành giềng mối đạo lý của xã hội (tam cương).
Thế nhưng lịch sử xã hội con người từ xưa đến nay, từ Đông sang Tây, đều không hẹn mà gặp; không đấu tranh mà lại vô cùng “nhất trí” là đặt người Thầy giáo vào một vị thế vừa khiêm tốn, vừa mỉa mai đến xót xa. Đó là ở bất cứ ở xã hội nào và thời đại nào thì giới thầy giáo cũng được kính nể nhưng đời sống lại rất thanh bạch; hay nói bằng ngôn ngữ đại chúng là nghèo. Cái nghèo tuy không đến nỗi... rớt mồng tơi như cảnh “một thầy, một cô, một chó cái; học trò dăm đứa: nửa người, nửa ngợm, nửa đười ươi” của Trần Tế Xương làm cụ đồ Nho gõ đầu trẻ; nhưng cũng đủ cho giới sĩ tử xưa nay nhắn nhe với nhau rằng: “Nhất Y nhì Dược, tạm được Bách Khoa, Nông Lâm ngó xa, chuột chạy cùng sào mới vào Sư Phạm!”

Thế giới con người phải chờ cho đến khi có tới 6 tỷ người, đạt tới một trình độ văn mình khoa học kỹ thuật tiên tiến và một giềng mối nhân văn quy củ nhờ bao nhiêu nghìn năm thông qua phương tiện giáo dục và sự cống hiến thầm lặng của những triệu người thầy giáo mới nhận ra rằng: “Không thầy đố mầy làm nên”! Sự tưởng nhớ và ghi nhận vai trò người thầy giáo của toàn xã hội muộn màng tới năm 1994, lần đầu tiên cơ quan văn hóa giáo dục Liên Hiệp Quốc UNESCO mới chính thức chọn ngày 5 tháng 10 làm Ngày Thầy Giáo Quốc Tế (World Teachers’ Day: WTD). Mặc dầu trước đó, vào năm 1946, một tổ chức Liên Hiệp các Hội Đoàn Giáo Dục Thế Giới (Féderation International Syndicale des Enseignants: FISE) đã được thành lập tại Paris. Và sau đó, năm 1949, tại thủ đô Varsovie của Ba Lan FISE tu chính thêm một bản “Hiến Chương các Nhà Giáo”, nhưng tác dụng chẳng tới đâu vì ngọn lửa xâm lăng và thuộc địa của châu Âu đã làm mờ mịt chân trời trong sáng của giáo dục và lương tri nhân loại. Tại Việt Nam, ngày 20 tháng 11 năm 1982, ngày Nhà Giáo Việt Nam lần đầu tiên được tổ chức với quy mô cả nước cho đến ngày nay.

Đâu cũng đã 45 năm trước, tôi vào trường Đại học Sư Phạm Huế không phải vì “chuột chạy cùng sào” nhưng tại chiến tranh đã gây nên biến cố gia đình, tôi phải bỏ trường Y để qua trường “Thầy”. Làm thầy thuốc không được thì làm thầy giáo. Trong 35 năm đứng trên bục giảng của hơn 10 trường, mỗi trường ghi dấu một chặng đời và kỷ niệm riêng. Những trường dạy giờ thời còn sinh viên như Phan Sào Nam, Bán Công, Bồ Đề Huế nay không còn nữa. Trường Hiền Lương Nghĩa Thục, Hải Lăng ngày mới hồi cư về Quảng Trị mù mịt gió Nam Lào; thầy cô giáo và học trò dạy, học và sống thêm được ngày nào hay ngày đó. Trường Nguyễn Tri Phương, Đồng Khánh Huế sau nơi còn, nơi đổi tên. Các trường Anh Ngữ trên bước đường lưu dân trong các trại Tỵ Nạn Hồng Kông, Philippines nay cũng đã hoàn toàn vắng bóng nhưng dấu vết ưu tư về một cuộc đời mới nơi đất khách thật nhiều. Những trường CRC, LPU, Sac-State ở Mỹ to lớn và sang trọng nhưng không có cái hơi hướm tình quê; lên lớp thèm được nói tiếng Việt như thèm nghe tiếng mẹ ở quê nhà. Nhưng trong hết thảy các trường, chỉ có trường Nguyễn Hoàng Quảng Trị là thuộc vào hàng “đệ nhất chưa từng có”: Chỉ vỏn vẹn trong 5 năm dạy học ở Nguyễn Hoàng, tôi phải di chuyển tới 5 “trường” Nguyễn Hoàng khác nhau: (1) Nguyễn Hoàng Quảng Trị trước 1972; (2) Nguyễn Hoàng tản cư gởi tạm một số lớp vào trường Phan Châu Trinh Đà Nẵng năm 1972; (3) Nguyễn Hoàng Non Nước, (4) Nguyễn Hoàng Hòa Khánh thời 1973; (5) Nguyễn Hoàng hồi cư về đồi cát Hải Lăng năm 1973, 1974.

Trong một đời đi dạy học, quý thầy cô giáo có mầy ai nếm trải được chút “sóng gió sân trường” sau những giờ soạn giáo án, chấm bài hay lên lớp như thầy trò Nguyễn Hoàng trong thế hệ tản cư và hồi cư thời 1972 của chúng tôi. Trên đồi cát Hải Lăng nhấp nhô những căn nhà tôn, gỗ tiền chế đơn sơ, ngày nóng hầm hập với gió Nam Lào; đêm lạnh rát mặt với gió cát Trường Sơn và đồi tràm không một bóng cây che chắn. Nhưng lại được gọi một cách rất “chảnh” là “Khu Thị Tứ Hải Lăng”! Có những đêm dài uống nước trà mất ngủ, trong một phòng học nào đó của trường Nguyễn Hoàng mới tạm xây trên đồi cát Hải Lăng, chúng tôi gom bàn học thành nhà trọ qua đêm. Các vị “chức sắc” trong ngành giáo dục Quảng Trị đều là lữ khách vì gia đình còn tản cư và tạm cư ở Huế, Đà Nẵng... chưa ai dám mang hết bầu đoàn thê tử về vùng đất khó. Giông bão chiến tranh đã lay đổ tận gốc rễ ngay cả niềm mơ ước bình thường là được về an cư lạc nghiệp ở đất nhà. Là thầy giáo Nguyễn Hoàng đầu tiên hồi cư sau 1972, tôi được phân công để phụ trách giảng dạy số học sinh Nguyễn Hoàng hồi cư sớm, phải ghi danh theo học tạm tại trường trung học Hải Lăng. Trường Nguyễn Hoàng mới chỉ vừa được xây xong nền trên đồi Khu Thị Tứ Hải Lăng. Đúng là người thầy giáo hồi cư mang tâm trạng “một chân bước ra, ba chân bước lại”. Những ngày đầu tiên hồi cư trong phập phồng lo sợ ấy, bàn chân đứng trên đất nhà, nhưng tâm lý “chạy loạn” cứ nhấp nhỏm theo từng tiếng bom đạn từ núi, biển vọng về. Từ chánh sự vụ sở học chánh, đến trưởng phòng, hiệu trưởng, giáo sư, nhân viên... đều cùng chung cảnh ngộ. Tôi còn nhớ hình ảnh quý thầy Thái Mộng Hùng, Lê Mậu Tâm, Hoàng Văn Liệu, Lê Hữu Thăng, Lê Hữu Nam, Nguyễn Bảo, Lê Văn Mãn trong căn nhà tiền chế của thầy Tâm. Chỉ có thầy Tâm và thầy Mãn là không hút thuốc nên được ưu tiên ăn kẹo gừng, uống nước trà... mệt nghỉ; trong lúc chúng tôi thì “khói lửa tưng bừng” chia nhau từng điếu thuốc!

Bởi cái tình Nguyễn Hoàng gắn bó với hoàn cảnh đa đoan trong một mảng lịch sử của đất nước và quê nhà bể dâu như thế nên cả thầy, cả trò, cả người dân Quảng Trị nông thôn cũng như thành thị, qua những thế hệ khác nhau đều nghĩ tới Nguyễn Hoàng như một Mái Ấm. Nguyễn Hoàng không chỉ đơn thuần là một cơ sở giáo dục và đào tạo tri thức mà còn là một biểu tượng trân quý của tinh thần và cuộc sống. Đó là tinh thần hiếu học “vắt đất ra chữ, vắt chữ ra người” trước những hoàn cảnh khó khăn, ngỡ như “sách vở ích gì cho buổi ấy!” của toàn vùng Quảng Trị, Đông Hà, Gio Linh, Cam Lộ... trong chiến tranh đầy khốn khổ. Bên cạnh vốn quý là tinh thần hiếu học cố hữu của người dân Quảng Trị, còn có tình nghĩa được thắp sáng và nâng lên như một đạo lý của tình người. Trong bao nhiêu năm Quảng Trị quặn mình trước những biến cố chiến tranh, thiên tai, dịch họa, trường Nguyễn Hoàng thường trở thành một nguồn an ủi thiết thân không phân biệt. Những công tác cứu trợ, từ thiện, xã hội xuất phát từ bàn tay và tấm lòng của thầy trò Nguyễn Hoàng đã nâng tầm cơm áo lên tình nhân ái, nghĩa đồng bào.

Sau năm 1972, trường Nguyễn Hoàng chỉ còn là một đống gạch vụn trong một thành phố Quảng Trị điêu tàn, tan hoang vì bom đạn. Thế nhưng, trường Nguyễn Hoàng vẫn không ngừng phấn đấu để tồn tại bằng mọi phương tiện và hình thức. Đến năm 1975 thì trường trung học Nguyễn Hoàng hoàn toàn mất hẳn chân đứng và mất tên trên vùng quê hương Quảng Trị. Sự mất mát nầy là một tiến trình khách quan khó tránh khỏi vì 2 lý do: Thứ nhất là vì nhân vật lịch sử Nguyễn Hoàng chưa được các trung tâm nghiên cứu lịch sử có thẩm quyền và các sử gia thời danh đánh giá đúng mức. Thứ hai là vì cơ sở vật chất của trường Nguyễn Hoàng cũ tại thành phố Quảng Trị tái thiết và hồi sinh không còn nữa.

Từ đó, trường Nguyễn Hoàng thành “Nỗi Nhớ Thiên Thu” như Milton Hessler nói trong thơ:

Em chỉ mất, hình hài không hiện hữu,
Nhưng thiên thu vạn đóa vẫn hồi sinh.

(The End of the World)


Sau năm 1975 ở Việt Nam và từ 1982 qua Mỹ được tiếp cận với ngành giáo dục, tôi chưa thấy một ngôi trường nào mất bóng, mất tên mà vẫn còn có một sức hút mãnh liệt đối với cựu học sinh và thầy cô giáo như trường Nguyễn Hoàng Quảng Trị.

Khắp các tỉnh thành trong nước, những hình thức nhóm và hội ái hữu Nguyễn Hoàng có mặt khắp nơi và sinh hoạt thường xuyên. Ở ngoài nước, khắp các châu trên thế giới đều có các hội ái hữu Nguyễn Hoàng.

Từ năm 2005 cho đến 2011, bộ sách Trường Nguyễn Hoàng – Chân Dung và Kỷ Niệm đã xuất bản 10 tập, mỗi tập dày tới 6, 7 trăm trang, in ấn rất đẹp, bìa cứng, do cựu học sinh Nguyễn Hoàng Võ Thị Quỳnh và bằng hữu chủ trương biên tập quả là một “hiện tượng – phenomenon” quý hiếm đối với một ngôi trường đã mất tên. Ngoài ra, hằng năm ở ngoài nước, có ít nhất là 5 tờ báo Xuân của cựu thầy giáo và học sinh Nguyễn Hoàng phát hành trong dịp Tết Nguyên Đán.

Cao điểm của tinh thần “thương nhớ Nguyễn Hoàng” sau hơn 36 năm ngôi trường mất tên là cuộc họp mặt của cựu học sinh và thầy cô giáo Nguyễn Hoàng trên toàn thế giới được tổ chức tại Santa Ana, Nam California, Hoa Kỳ vào các ngày 1,2,3,4 tháng 9 năm 2011 với đông đảo thầy trò toàn cầu về tham dự.

Thế hệ “gạo cội” của Nguyễn Hoàng đang từng ngày nhường bước cho thế hệ con em sinh ra và lớn lên khi Nguyễn Hoàng đã mất bóng. Tâm thức “ái hữu” không phải là một khuynh hướng giữ tiếng, xưng tên nhưng phát xuất từ nguyên nhân sâu xa nhất là ước vọng bất tử của tình nghĩa. Xã hội con người càng phân hóa thì nhu cầu tâm lý hướng tới một biểu tượng “chung nhất – thuộc về” càng mạnh mẽ và sâu sắc hơn. Tâm lý của thầy trò trường Nguyễn Hoàng không là một ngoại lệ.

Trong vài thập niên vừa qua, đã có nhiều ý kiến, đề nghị và nỗ lực vận động cho sự phục hồi tên trường Nguyễn Hoàng. Nhưng hầu hết mới chỉ hình thành qua tư thế cá nhân. Ngày nay, hoàn cảnh cụ thể có nhiều điều kiện thuận lợi hơn cho một sự chung sức tập thể để thỉnh nguyện lên các cơ quan và giới chức có thẩm quyền về vấn đề nầy:

- Thuận lợi thứ nhất về mặt danh xưng: Nhân vật Nguyễn Hoàng, vai trò của các chúa Nguyễn và triều Nguyễn đã được các nhà lịch sử phân tích và đánh giá. Chúa Nguyễn Hoàng là một nhân vật lịch sử lớn, có công lao trong công cuộc mở mang bờ cõi tổ quốc về phía Nam. Căn cứ địa đầu tiên của chúa Nguyễn Hoàng là vùng đất Quảng Trị. Tên tuổi Nguyễn Hoàng gắn liền với Quảng Trị và xứng đáng được tổ quốc ghi công.

- Thuận lợi thứ hai về mặt tinh thần: Đó là tấm lòng thiết tha và tinh thần đoàn kết, kiên nhẫn của tập thể cựu học sinh Nguyễn Hoàng qua nhiều thế hệ. Nhu cầu “mái ấm Nguyễn Hoàng” đang dâng cao với thế hệ sau cùng của ngôi trường nầy đang còn nhiệt tình, xông xáo.

- Thuận lợi thứ ba về mặt vật chất: Sự tiếp tay, hỗ trợ nồng nhiệt của thế hệ đàn anh, đàn chị là một khả năng cụ thể cho thế hệ đàn em Nguyễn Hoàng; nếu tên trường được phục hồi trước khi khả năng đó lịm dần và sẽ không còn nữa.

- Thuận lợi thứ tư về mặt chính quyền: Đây là yếu tố quyết định để có thể biến “khả năng” thành hiện thực. Hơn 35 năm qua, các giới chức thẩm quyền đã có đủ thời gian nhìn lại để đánh giá. Mặt tích cực mang lợi lạc đến cho các hoạt động giáo dục tỉnh nhà, nếu tên trường Nguyễn Hoàng được phục hồi và tập thể “cựu” Nguyễn Hoàng nhiệt tình ủng hộ có thể hình dung được khá rõ ràng.

Trước một cận ảnh đầy thuận lợi như thế, nhân ngày Nhà Giáo Việt Nam năm nay, xin đề nghị tập thể đại gia đình Nguyễn Hoàng trong cũng như ngoài nước cùng góp chung lời Thỉnh Nguyện phục hồi tên trường Nguyễn Hoàng trước khi chia tay không hạn kỳ theo phần số riêng của mỗi người.


Quý mến chúc quý Thầy Cô và hết thảy học sinh, sinh viên Việt Nam một Ngày Nhà Giáo tròn đầy tình Thầy, nghĩa Bạn, duyên Trường.

Bắc California, ngày 20-11- 2011

Trần Kiêm Đoàn

Tuesday, November 15, 2011

NGUYỄN HOÀNG – Xin trả lại tên Trường


          QUẢNG TRỊ - một tỉnh lỵ nhỏ nhưng lại nỗi danh là vùng đất chịu nhiều tang thương, mất mát trong chiến tranh và NGUYỄN HOÀNG - Ngôi trường trung học công lập lớn nhất tỉnh mang tên vị Chúa Nguyễn đầu tiên đến nơi đây để  đặt nền móng cho việc mở rộng đất nước về phương Nam - cũng  đã từng lênh đênh theo số phận người dân phố nhỏ.
            Năm 1972, bom đạn san bằng Quảng Trị. Người dân phải lìa bỏ quê hương chen chúc trong các trại tạm cư Đà Nẵng thì trường Nguyễn Hoàng cũng cùng chung số phận. Năm 1974, người Quảng Trị hồi cư về bãi cát Hải Lăng thì trường Nguyễn Hoàng cũng được xây dựng ở đó vì thành phố cũ là vùng cấm, người dân không được bén mảng đến, nói chi là dựng lại trường trên nền đất cũ. Dù thế, trường Nguyễn Hoàng vẫn tồn tại và người Quảng Trị vẫn hãnh diện khi con em mình là học sinh của trường. Nhưng khi đất nước thống nhất, người dân được trở về thành phố cũ, trên nền đất trường Nguyễn Hoàng xưa đã dựng lại trường thì tên Nguyễn Hoàng không còn nữa làm ai nấy ngơ ngác, nghẹn ngào, nhất là những người đã một thời mang bảng tên Nguyễn Hoàng trên áo trắng.
            Tại sao??? Những dấu hỏi cứ lớn dần và lũ học trò chúng tôi – lúc đó còn theo học lớp 11 – không thể nào chấp nhận nổi cái lý do: Phải xoá bỏ tên Nguyễn Hoàng vì đời sau Vương triều Nguyễn có tội với nhân dân, với đất nước? Trời! Nhưng trời xa quá, không nghe tiếng kêu. Mà nói thật, hồi đó chỉ than thầm chứ ai dám kêu to đâu mà trời nghe.
            Chuyện thời chín Chúa có công mở cõi về phương Nam ai cũng biết. Còn chuyện Vương triều Nguyễn là bao đời sau. Ai công ai tội rành rành ra đấy, thế nhưng những nhận định lệch lạc một thời lại không thấy công lao to lớn  ấy, mà chỉ thấy cái tội vì hậu duệ của ngài là kẻ phong kiến núp bóng thực dân. Ôi xót xa!
Trường mất tên, bầy chim lạc bay đi bốn phương tám hướng nhưng lòng vẫn tương tư hai chữ NGUYỄN HOÀNG. Một điều hay là dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào thì họ luôn hãnh diện khi nói về tên trường của mình. Cộng đồng Nguyễn Hoàng luôn tìm cách gặp gỡ nhau trong tình thân ái, không chỉ ôn cố mà còn tri tân, nhất là giúp đỡ cho những mầm non hiếu học nơi quê nhà. Hỏi có ngôi trường nào ra nhiều nội san hàng năm như Nguyễn Hoàng không? Những thầy cô, những cựu học sinh Nguyễn Hoàng thường tự nhận mình là dân Nguyễn Hoàng, và mơ ước một ngày thấy tấm bảng Nguyễn Hoàng được dựng lại nơi thành phố cũ.
Dù ngôi trường mới bây giờ mang tên gì đi nữa thì khi người nơi xa trở về, chỉ cần hỏi đường đến trường Nguyễn Hoàng là dân địa phương – kể cả những em nhỏ ra đời vào đầu thiên kỷ mới nầy - vẫn chỉ đúng chỗ và khách tìm đến đúng thánh địa ngày xưa của mình để hoài niệm về một thời tuổi trẻ, áo trắng vô tư bên trường lớp. Thế mới biết dù tên trường không còn, nhưng hai chữ Nguyễn Hoàng đã ăn sâu vào tâm khảm không chỉ dân Nguyễn Hoàng, mà còn cả của người dân Quảng Trị.
Hữu xạ tự nhiên hương. Niềm mơ ước phục hưng tên trường Nguyễn Hoàng không chỉ là của dân Nguyễn Hoàng, mà có thể nói là của những ai có tâm huyết, mà bài viết của Lê Đức Dục đăng trên báo Tuổi trẻ vừa qua là một ví dụ.

Hơn ba mươi năm đã trôi qua, những hàng rào định kiến hạn hẹp một thời đang được tháo dỡ. Gần đây đã có những cuộc hội thảo về Chúa Nguyễn và Vương Triều Nguyễn, công hay tội thì lịch sự cần có sự công tâm. Dựng nước và giữ nước đều quan trọng như nhau, không biết giữ gìn thì bờ cõi giang san sẽ bị ngoại bang xâm chiếm, nhưng nếu không có tiền nhân dựng nước thì làm gì có nước mà giữ? Người Việt chúng ta luôn trọng đạo nghĩa. Từ thuở ấu thơ ngày ngày đến lớp, nhìn quanh tường đều thấy những câu Tiên học lễ, hậu học văn; Ăn quả nhớ kẻ trồng cây; Uống nước nhớ nguồn v.v... Biết ơn tiền nhân; biết ơn cha mẹ, thầy cô ... luôn là điều giáo huấn có giá trị vượt thời gian.

Bởi thế nguyện vọng xin trả lại tên cho trường NGUYỄN HOÀNG – tên huý vị Chúa đi đầu trong công cuộc mở cõi Phương Nam, để bản đồ nước Việt ngày nay duyên dáng hình chữ S bên bờ Thái Bình Dương xanh thẳm – tại Quảng Trị là điều chính đáng. Đó không chỉ thể hiện sự biết ơn tiền nhân mà còn là thước đo lòng nhân ái và đạo đức của người Việt Nam trong thời hiện tại.

         Một Cựu học sinh trường Nguyễn Hoàng (Niên khoá 1969 đến 1976)
                                                            NTLH