Wednesday, November 23, 2011

Thư của Thầy Trần Kiêm Đoàn gửi Thầy Đỗ trinh Huệ

Thầy Đỗ Trinh Huệ ơi,

Lâu lắm Thầy mới xuất hiện với anh em. Còn nhớ mẵi hồi tôi mới ra dạy Nguyễn Hoàng vào năm 1970, Thầy Huệ là phụ tá giám học chia thời khóa biểu cho giáo sư toàn trường. Chính tôi cũng như mấy thầy cô gốc Huế vẫn thường níu áo Thầy Huệ nhờ chia giờ dạy tránh ngày thứ Sáu để vào Huế được 3 ngày cuối tuần. Sau đó Thầy thuyên chuyển vô Huế đến bây giờ vẫn chưa gặp lại. Nhớ “những ngày xưa thân ái” quá Thầy Huệ hè!

Nhân được nhìn lại những hình ảnh của quý Thầy Cô và học sinh NH trong ngày Thầy Giáo 20-11 thật là đầy thú vị và cảm kích. Xin cám ơn Ban Tổ chức đã chuyển tiếp tin tức rất chu đáo.

Nhân tiện, rất cám ơn Thầy Huệ đã nhắc đến tên tác giả của 2 câu đối mà người ta đã gán cho Cao Bá Quát. Thầy Huệ dạy Pháp Văn đỡ rắc rối hơn tụi tui dạy Quốc Văn nhiều. Ngay như Cao Bá Quát (1809-1855) và Trần Tế Xương (1870-1909) đều là các tác giả thế kỷ 19 thế mà đều bị gán cho những bài thơ, câu đối tùy hứng của dân gian. Ngay như sử chép CBQ bị Suất đội Đinh Thế Quang bắn chết trong cuộc khởi nghĩa Mỹ năm 1855, thế mà đời sau cũng gán CBQ đã làm 2 câu thơ: “Ba hồi trống giục đù cha kiếp; một nhát gươm thiêng đéo mẹ đời…” khi ra pháp trường. Hoặc “Một chiếc cùm lim chân có đế; ba vòng xích sắt bước thì vương…” Và theo các nhà văn học sử như Dương Quảng Hàm, Vũ Khiêu, Nguyễn Q Thắng, Hà Tiến Lãng, Đỗ Huy Dư… thì chung quanh 1353 bài thơ và 21 bài văn xuôi còn lại của CBQ thì còn có nhiều câu thơ và câu đối gán ghép cho tác giả "Tài Tử Đa Cùng Phú" nhiều khi ngớ ngẩn đến độ vô tình. Và cũng theo Hà T Lãng , ĐHD thì hai câu đối: “Nhà cỏ ba gian: Một thầy, một cô, một chó cái. Học trò dăm đứa: Nửa người, nửa ngợm, nửa đười ươi” là hai câu với ý nghĩa vụng về và chữ nghĩa dung tục, danh xưng bất nhất đến thế mà lại đem gán cho một bậc tài hoa như Cao Bá Quát là một sự xúc phạm. Nếu có ưng gán thì gán cho nhân vật tài hoa lãng tử ưa nghịch nghịch, tếu tếu như Trần Tế Xương còn có thể “OK” được!

Tôi đồng ý với quan điểm văn học nầy vì văn thơ CBQ hoàn toàn nặng tính biểu tương; chứ không hiện thực như TTX.

Thầy Huệ ơi!
Văn chương tự cổ vô bằng cớ nên nói ra còn lắm sự mắc mớ, tam sao thất bổn. Nhưng chuyện văn chương bát cổ là chuyện thiên hạ. Riêng anh em mình với tình đồng nghiệp và bằng hữu mà Thầy Huệ chịu khó nhắc nhở như rứa là TKĐ xin thành thật cám ơn vô cùng. Xin hẹn sang năm về Huế thăm anh Huệ sẽ tâm sự nhiều hơn nghe.
Xin kính lời thăm chị và gia đình.
Quý mến chúc tất cả quý Thầy Cô và Anh Chị Em trong đại gia đình NH sức khỏe và an lạc.

TK Đoàn

No comments: