Tuesday, November 15, 2011

NGUYỄN HOÀNG – Xin trả lại tên Trường


          QUẢNG TRỊ - một tỉnh lỵ nhỏ nhưng lại nỗi danh là vùng đất chịu nhiều tang thương, mất mát trong chiến tranh và NGUYỄN HOÀNG - Ngôi trường trung học công lập lớn nhất tỉnh mang tên vị Chúa Nguyễn đầu tiên đến nơi đây để  đặt nền móng cho việc mở rộng đất nước về phương Nam - cũng  đã từng lênh đênh theo số phận người dân phố nhỏ.
            Năm 1972, bom đạn san bằng Quảng Trị. Người dân phải lìa bỏ quê hương chen chúc trong các trại tạm cư Đà Nẵng thì trường Nguyễn Hoàng cũng cùng chung số phận. Năm 1974, người Quảng Trị hồi cư về bãi cát Hải Lăng thì trường Nguyễn Hoàng cũng được xây dựng ở đó vì thành phố cũ là vùng cấm, người dân không được bén mảng đến, nói chi là dựng lại trường trên nền đất cũ. Dù thế, trường Nguyễn Hoàng vẫn tồn tại và người Quảng Trị vẫn hãnh diện khi con em mình là học sinh của trường. Nhưng khi đất nước thống nhất, người dân được trở về thành phố cũ, trên nền đất trường Nguyễn Hoàng xưa đã dựng lại trường thì tên Nguyễn Hoàng không còn nữa làm ai nấy ngơ ngác, nghẹn ngào, nhất là những người đã một thời mang bảng tên Nguyễn Hoàng trên áo trắng.
            Tại sao??? Những dấu hỏi cứ lớn dần và lũ học trò chúng tôi – lúc đó còn theo học lớp 11 – không thể nào chấp nhận nổi cái lý do: Phải xoá bỏ tên Nguyễn Hoàng vì đời sau Vương triều Nguyễn có tội với nhân dân, với đất nước? Trời! Nhưng trời xa quá, không nghe tiếng kêu. Mà nói thật, hồi đó chỉ than thầm chứ ai dám kêu to đâu mà trời nghe.
            Chuyện thời chín Chúa có công mở cõi về phương Nam ai cũng biết. Còn chuyện Vương triều Nguyễn là bao đời sau. Ai công ai tội rành rành ra đấy, thế nhưng những nhận định lệch lạc một thời lại không thấy công lao to lớn  ấy, mà chỉ thấy cái tội vì hậu duệ của ngài là kẻ phong kiến núp bóng thực dân. Ôi xót xa!
Trường mất tên, bầy chim lạc bay đi bốn phương tám hướng nhưng lòng vẫn tương tư hai chữ NGUYỄN HOÀNG. Một điều hay là dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào thì họ luôn hãnh diện khi nói về tên trường của mình. Cộng đồng Nguyễn Hoàng luôn tìm cách gặp gỡ nhau trong tình thân ái, không chỉ ôn cố mà còn tri tân, nhất là giúp đỡ cho những mầm non hiếu học nơi quê nhà. Hỏi có ngôi trường nào ra nhiều nội san hàng năm như Nguyễn Hoàng không? Những thầy cô, những cựu học sinh Nguyễn Hoàng thường tự nhận mình là dân Nguyễn Hoàng, và mơ ước một ngày thấy tấm bảng Nguyễn Hoàng được dựng lại nơi thành phố cũ.
Dù ngôi trường mới bây giờ mang tên gì đi nữa thì khi người nơi xa trở về, chỉ cần hỏi đường đến trường Nguyễn Hoàng là dân địa phương – kể cả những em nhỏ ra đời vào đầu thiên kỷ mới nầy - vẫn chỉ đúng chỗ và khách tìm đến đúng thánh địa ngày xưa của mình để hoài niệm về một thời tuổi trẻ, áo trắng vô tư bên trường lớp. Thế mới biết dù tên trường không còn, nhưng hai chữ Nguyễn Hoàng đã ăn sâu vào tâm khảm không chỉ dân Nguyễn Hoàng, mà còn cả của người dân Quảng Trị.
Hữu xạ tự nhiên hương. Niềm mơ ước phục hưng tên trường Nguyễn Hoàng không chỉ là của dân Nguyễn Hoàng, mà có thể nói là của những ai có tâm huyết, mà bài viết của Lê Đức Dục đăng trên báo Tuổi trẻ vừa qua là một ví dụ.

Hơn ba mươi năm đã trôi qua, những hàng rào định kiến hạn hẹp một thời đang được tháo dỡ. Gần đây đã có những cuộc hội thảo về Chúa Nguyễn và Vương Triều Nguyễn, công hay tội thì lịch sự cần có sự công tâm. Dựng nước và giữ nước đều quan trọng như nhau, không biết giữ gìn thì bờ cõi giang san sẽ bị ngoại bang xâm chiếm, nhưng nếu không có tiền nhân dựng nước thì làm gì có nước mà giữ? Người Việt chúng ta luôn trọng đạo nghĩa. Từ thuở ấu thơ ngày ngày đến lớp, nhìn quanh tường đều thấy những câu Tiên học lễ, hậu học văn; Ăn quả nhớ kẻ trồng cây; Uống nước nhớ nguồn v.v... Biết ơn tiền nhân; biết ơn cha mẹ, thầy cô ... luôn là điều giáo huấn có giá trị vượt thời gian.

Bởi thế nguyện vọng xin trả lại tên cho trường NGUYỄN HOÀNG – tên huý vị Chúa đi đầu trong công cuộc mở cõi Phương Nam, để bản đồ nước Việt ngày nay duyên dáng hình chữ S bên bờ Thái Bình Dương xanh thẳm – tại Quảng Trị là điều chính đáng. Đó không chỉ thể hiện sự biết ơn tiền nhân mà còn là thước đo lòng nhân ái và đạo đức của người Việt Nam trong thời hiện tại.

         Một Cựu học sinh trường Nguyễn Hoàng (Niên khoá 1969 đến 1976)
                                                            NTLH

1 comment:

tieng thoi gian said...

chào quý thầy cô bạn hữu NH
Mark Twain nhà văn Mỹ có nói " ĐỊNH KIẾN KHÔNG THỂ NÀO THẤY ĐÚNG SỰ THỰC CỦA MỌI VẤN ĐỀ VÌ ĐỊNH KIẾN CHUYÊN SUY XÉT NHỮNG VẤN ĐỀ NÀY QUA NHỮNG CÁI KHÔNG PHẢI CỦA CHÚNG"
“Prejudice cannot see the things that are because it is always looking for things that aren't”

Chỉ khi nào chúng ta biết cung nhau lột phăng đi định kiến thì mọi lẽ phải sẽ trở về.

Đinh trọng Phúc