Hôm nay là Ngày Nhà Giáo – 20-11-2011 – tại Việt Nam.
Mỹ lại chọn Ngày thứ Ba của tuần đầu tiên đủ 7 ngày (full week) trong tháng Năm làm Ngày Nhà Giáo hàng năm. Như năm nay thì Ngày Nhà Giáo Mỹ rơi vào ngày 3-5-2011. Theo tạp chí nổi tiếng Forbes thì khoảng từ 3 đến 5 nghìn học sinh, sinh viên Mỹ mới có một đứa biết Ngày Nhà Giáo (The Teachers’ Day)!
Lịch sử nhà giáo có mặt cùng với lịch sử loài người vì lịch sử văn minh của con người từ thượng cổ đến ngày nay là một quá trình “Dĩ học dũ ngu” – Lấy cái học để đuổi cái dốt – Xã hội càng có quy củ văn hiến cao chừng nào, thì khuynh hướng “tôn sư trọng đạo” càng được đề cao chừng đó. Đã có một thời, vị thế của người thầy giáo đứng trên cả cha mẹ – Quân, Sư, Phụ – đã trở thành giềng mối đạo lý của xã hội (tam cương).
Thế nhưng lịch sử xã hội con người từ xưa đến nay, từ Đông sang Tây, đều không hẹn mà gặp; không đấu tranh mà lại vô cùng “nhất trí” là đặt người Thầy giáo vào một vị thế vừa khiêm tốn, vừa mỉa mai đến xót xa. Đó là ở bất cứ ở xã hội nào và thời đại nào thì giới thầy giáo cũng được kính nể nhưng đời sống lại rất thanh bạch; hay nói bằng ngôn ngữ đại chúng là nghèo. Cái nghèo tuy không đến nỗi... rớt mồng tơi như cảnh “một thầy, một cô, một chó cái; học trò dăm đứa: nửa người, nửa ngợm, nửa đười ươi” của Trần Tế Xương làm cụ đồ Nho gõ đầu trẻ; nhưng cũng đủ cho giới sĩ tử xưa nay nhắn nhe với nhau rằng: “Nhất Y nhì Dược, tạm được Bách Khoa, Nông Lâm ngó xa, chuột chạy cùng sào mới vào Sư Phạm!”
Thế giới con người phải chờ cho đến khi có tới 6 tỷ người, đạt tới một trình độ văn mình khoa học kỹ thuật tiên tiến và một giềng mối nhân văn quy củ nhờ bao nhiêu nghìn năm thông qua phương tiện giáo dục và sự cống hiến thầm lặng của những triệu người thầy giáo mới nhận ra rằng: “Không thầy đố mầy làm nên”! Sự tưởng nhớ và ghi nhận vai trò người thầy giáo của toàn xã hội muộn màng tới năm 1994, lần đầu tiên cơ quan văn hóa giáo dục Liên Hiệp Quốc UNESCO mới chính thức chọn ngày 5 tháng 10 làm Ngày Thầy Giáo Quốc Tế (World Teachers’ Day: WTD). Mặc dầu trước đó, vào năm 1946, một tổ chức Liên Hiệp các Hội Đoàn Giáo Dục Thế Giới (Féderation International Syndicale des Enseignants: FISE) đã được thành lập tại Paris. Và sau đó, năm 1949, tại thủ đô Varsovie của Ba Lan FISE tu chính thêm một bản “Hiến Chương các Nhà Giáo”, nhưng tác dụng chẳng tới đâu vì ngọn lửa xâm lăng và thuộc địa của châu Âu đã làm mờ mịt chân trời trong sáng của giáo dục và lương tri nhân loại. Tại Việt Nam, ngày 20 tháng 11 năm 1982, ngày Nhà Giáo Việt Nam lần đầu tiên được tổ chức với quy mô cả nước cho đến ngày nay.
Đâu cũng đã 45 năm trước, tôi vào trường Đại học Sư Phạm Huế không phải vì “chuột chạy cùng sào” nhưng tại chiến tranh đã gây nên biến cố gia đình, tôi phải bỏ trường Y để qua trường “Thầy”. Làm thầy thuốc không được thì làm thầy giáo. Trong 35 năm đứng trên bục giảng của hơn 10 trường, mỗi trường ghi dấu một chặng đời và kỷ niệm riêng. Những trường dạy giờ thời còn sinh viên như Phan Sào Nam, Bán Công, Bồ Đề Huế nay không còn nữa. Trường Hiền Lương Nghĩa Thục, Hải Lăng ngày mới hồi cư về Quảng Trị mù mịt gió Nam Lào; thầy cô giáo và học trò dạy, học và sống thêm được ngày nào hay ngày đó. Trường Nguyễn Tri Phương, Đồng Khánh Huế sau nơi còn, nơi đổi tên. Các trường Anh Ngữ trên bước đường lưu dân trong các trại Tỵ Nạn Hồng Kông, Philippines nay cũng đã hoàn toàn vắng bóng nhưng dấu vết ưu tư về một cuộc đời mới nơi đất khách thật nhiều. Những trường CRC, LPU, Sac-State ở Mỹ to lớn và sang trọng nhưng không có cái hơi hướm tình quê; lên lớp thèm được nói tiếng Việt như thèm nghe tiếng mẹ ở quê nhà. Nhưng trong hết thảy các trường, chỉ có trường Nguyễn Hoàng Quảng Trị là thuộc vào hàng “đệ nhất chưa từng có”: Chỉ vỏn vẹn trong 5 năm dạy học ở Nguyễn Hoàng, tôi phải di chuyển tới 5 “trường” Nguyễn Hoàng khác nhau: (1) Nguyễn Hoàng Quảng Trị trước 1972; (2) Nguyễn Hoàng tản cư gởi tạm một số lớp vào trường Phan Châu Trinh Đà Nẵng năm 1972; (3) Nguyễn Hoàng Non Nước, (4) Nguyễn Hoàng Hòa Khánh thời 1973; (5) Nguyễn Hoàng hồi cư về đồi cát Hải Lăng năm 1973, 1974.
Trong một đời đi dạy học, quý thầy cô giáo có mầy ai nếm trải được chút “sóng gió sân trường” sau những giờ soạn giáo án, chấm bài hay lên lớp như thầy trò Nguyễn Hoàng trong thế hệ tản cư và hồi cư thời 1972 của chúng tôi. Trên đồi cát Hải Lăng nhấp nhô những căn nhà tôn, gỗ tiền chế đơn sơ, ngày nóng hầm hập với gió Nam Lào; đêm lạnh rát mặt với gió cát Trường Sơn và đồi tràm không một bóng cây che chắn. Nhưng lại được gọi một cách rất “chảnh” là “Khu Thị Tứ Hải Lăng”! Có những đêm dài uống nước trà mất ngủ, trong một phòng học nào đó của trường Nguyễn Hoàng mới tạm xây trên đồi cát Hải Lăng, chúng tôi gom bàn học thành nhà trọ qua đêm. Các vị “chức sắc” trong ngành giáo dục Quảng Trị đều là lữ khách vì gia đình còn tản cư và tạm cư ở Huế, Đà Nẵng... chưa ai dám mang hết bầu đoàn thê tử về vùng đất khó. Giông bão chiến tranh đã lay đổ tận gốc rễ ngay cả niềm mơ ước bình thường là được về an cư lạc nghiệp ở đất nhà. Là thầy giáo Nguyễn Hoàng đầu tiên hồi cư sau 1972, tôi được phân công để phụ trách giảng dạy số học sinh Nguyễn Hoàng hồi cư sớm, phải ghi danh theo học tạm tại trường trung học Hải Lăng. Trường Nguyễn Hoàng mới chỉ vừa được xây xong nền trên đồi Khu Thị Tứ Hải Lăng. Đúng là người thầy giáo hồi cư mang tâm trạng “một chân bước ra, ba chân bước lại”. Những ngày đầu tiên hồi cư trong phập phồng lo sợ ấy, bàn chân đứng trên đất nhà, nhưng tâm lý “chạy loạn” cứ nhấp nhỏm theo từng tiếng bom đạn từ núi, biển vọng về. Từ chánh sự vụ sở học chánh, đến trưởng phòng, hiệu trưởng, giáo sư, nhân viên... đều cùng chung cảnh ngộ. Tôi còn nhớ hình ảnh quý thầy Thái Mộng Hùng, Lê Mậu Tâm, Hoàng Văn Liệu, Lê Hữu Thăng, Lê Hữu Nam, Nguyễn Bảo, Lê Văn Mãn trong căn nhà tiền chế của thầy Tâm. Chỉ có thầy Tâm và thầy Mãn là không hút thuốc nên được ưu tiên ăn kẹo gừng, uống nước trà... mệt nghỉ; trong lúc chúng tôi thì “khói lửa tưng bừng” chia nhau từng điếu thuốc!
Bởi cái tình Nguyễn Hoàng gắn bó với hoàn cảnh đa đoan trong một mảng lịch sử của đất nước và quê nhà bể dâu như thế nên cả thầy, cả trò, cả người dân Quảng Trị nông thôn cũng như thành thị, qua những thế hệ khác nhau đều nghĩ tới Nguyễn Hoàng như một Mái Ấm. Nguyễn Hoàng không chỉ đơn thuần là một cơ sở giáo dục và đào tạo tri thức mà còn là một biểu tượng trân quý của tinh thần và cuộc sống. Đó là tinh thần hiếu học “vắt đất ra chữ, vắt chữ ra người” trước những hoàn cảnh khó khăn, ngỡ như “sách vở ích gì cho buổi ấy!” của toàn vùng Quảng Trị, Đông Hà, Gio Linh, Cam Lộ... trong chiến tranh đầy khốn khổ. Bên cạnh vốn quý là tinh thần hiếu học cố hữu của người dân Quảng Trị, còn có tình nghĩa được thắp sáng và nâng lên như một đạo lý của tình người. Trong bao nhiêu năm Quảng Trị quặn mình trước những biến cố chiến tranh, thiên tai, dịch họa, trường Nguyễn Hoàng thường trở thành một nguồn an ủi thiết thân không phân biệt. Những công tác cứu trợ, từ thiện, xã hội xuất phát từ bàn tay và tấm lòng của thầy trò Nguyễn Hoàng đã nâng tầm cơm áo lên tình nhân ái, nghĩa đồng bào.
Sau năm 1972, trường Nguyễn Hoàng chỉ còn là một đống gạch vụn trong một thành phố Quảng Trị điêu tàn, tan hoang vì bom đạn. Thế nhưng, trường Nguyễn Hoàng vẫn không ngừng phấn đấu để tồn tại bằng mọi phương tiện và hình thức. Đến năm 1975 thì trường trung học Nguyễn Hoàng hoàn toàn mất hẳn chân đứng và mất tên trên vùng quê hương Quảng Trị. Sự mất mát nầy là một tiến trình khách quan khó tránh khỏi vì 2 lý do: Thứ nhất là vì nhân vật lịch sử Nguyễn Hoàng chưa được các trung tâm nghiên cứu lịch sử có thẩm quyền và các sử gia thời danh đánh giá đúng mức. Thứ hai là vì cơ sở vật chất của trường Nguyễn Hoàng cũ tại thành phố Quảng Trị tái thiết và hồi sinh không còn nữa.
Từ đó, trường Nguyễn Hoàng thành “Nỗi Nhớ Thiên Thu” như Milton Hessler nói trong thơ:
Em chỉ mất, hình hài không hiện hữu,
Nhưng thiên thu vạn đóa vẫn hồi sinh.
(The End of the World)
Sau năm 1975 ở Việt Nam và từ 1982 qua Mỹ được tiếp cận với ngành giáo dục, tôi chưa thấy một ngôi trường nào mất bóng, mất tên mà vẫn còn có một sức hút mãnh liệt đối với cựu học sinh và thầy cô giáo như trường Nguyễn Hoàng Quảng Trị.
Khắp các tỉnh thành trong nước, những hình thức nhóm và hội ái hữu Nguyễn Hoàng có mặt khắp nơi và sinh hoạt thường xuyên. Ở ngoài nước, khắp các châu trên thế giới đều có các hội ái hữu Nguyễn Hoàng.
Từ năm 2005 cho đến 2011, bộ sách Trường Nguyễn Hoàng – Chân Dung và Kỷ Niệm đã xuất bản 10 tập, mỗi tập dày tới 6, 7 trăm trang, in ấn rất đẹp, bìa cứng, do cựu học sinh Nguyễn Hoàng Võ Thị Quỳnh và bằng hữu chủ trương biên tập quả là một “hiện tượng – phenomenon” quý hiếm đối với một ngôi trường đã mất tên. Ngoài ra, hằng năm ở ngoài nước, có ít nhất là 5 tờ báo Xuân của cựu thầy giáo và học sinh Nguyễn Hoàng phát hành trong dịp Tết Nguyên Đán.
Cao điểm của tinh thần “thương nhớ Nguyễn Hoàng” sau hơn 36 năm ngôi trường mất tên là cuộc họp mặt của cựu học sinh và thầy cô giáo Nguyễn Hoàng trên toàn thế giới được tổ chức tại Santa Ana, Nam California, Hoa Kỳ vào các ngày 1,2,3,4 tháng 9 năm 2011 với đông đảo thầy trò toàn cầu về tham dự.
Thế hệ “gạo cội” của Nguyễn Hoàng đang từng ngày nhường bước cho thế hệ con em sinh ra và lớn lên khi Nguyễn Hoàng đã mất bóng. Tâm thức “ái hữu” không phải là một khuynh hướng giữ tiếng, xưng tên nhưng phát xuất từ nguyên nhân sâu xa nhất là ước vọng bất tử của tình nghĩa. Xã hội con người càng phân hóa thì nhu cầu tâm lý hướng tới một biểu tượng “chung nhất – thuộc về” càng mạnh mẽ và sâu sắc hơn. Tâm lý của thầy trò trường Nguyễn Hoàng không là một ngoại lệ.
Trong vài thập niên vừa qua, đã có nhiều ý kiến, đề nghị và nỗ lực vận động cho sự phục hồi tên trường Nguyễn Hoàng. Nhưng hầu hết mới chỉ hình thành qua tư thế cá nhân. Ngày nay, hoàn cảnh cụ thể có nhiều điều kiện thuận lợi hơn cho một sự chung sức tập thể để thỉnh nguyện lên các cơ quan và giới chức có thẩm quyền về vấn đề nầy:
- Thuận lợi thứ nhất về mặt danh xưng: Nhân vật Nguyễn Hoàng, vai trò của các chúa Nguyễn và triều Nguyễn đã được các nhà lịch sử phân tích và đánh giá. Chúa Nguyễn Hoàng là một nhân vật lịch sử lớn, có công lao trong công cuộc mở mang bờ cõi tổ quốc về phía Nam. Căn cứ địa đầu tiên của chúa Nguyễn Hoàng là vùng đất Quảng Trị. Tên tuổi Nguyễn Hoàng gắn liền với Quảng Trị và xứng đáng được tổ quốc ghi công.
- Thuận lợi thứ hai về mặt tinh thần: Đó là tấm lòng thiết tha và tinh thần đoàn kết, kiên nhẫn của tập thể cựu học sinh Nguyễn Hoàng qua nhiều thế hệ. Nhu cầu “mái ấm Nguyễn Hoàng” đang dâng cao với thế hệ sau cùng của ngôi trường nầy đang còn nhiệt tình, xông xáo.
- Thuận lợi thứ ba về mặt vật chất: Sự tiếp tay, hỗ trợ nồng nhiệt của thế hệ đàn anh, đàn chị là một khả năng cụ thể cho thế hệ đàn em Nguyễn Hoàng; nếu tên trường được phục hồi trước khi khả năng đó lịm dần và sẽ không còn nữa.
- Thuận lợi thứ tư về mặt chính quyền: Đây là yếu tố quyết định để có thể biến “khả năng” thành hiện thực. Hơn 35 năm qua, các giới chức thẩm quyền đã có đủ thời gian nhìn lại để đánh giá. Mặt tích cực mang lợi lạc đến cho các hoạt động giáo dục tỉnh nhà, nếu tên trường Nguyễn Hoàng được phục hồi và tập thể “cựu” Nguyễn Hoàng nhiệt tình ủng hộ có thể hình dung được khá rõ ràng.
Trước một cận ảnh đầy thuận lợi như thế, nhân ngày Nhà Giáo Việt Nam năm nay, xin đề nghị tập thể đại gia đình Nguyễn Hoàng trong cũng như ngoài nước cùng góp chung lời Thỉnh Nguyện phục hồi tên trường Nguyễn Hoàng trước khi chia tay không hạn kỳ theo phần số riêng của mỗi người.
Quý mến chúc quý Thầy Cô và hết thảy học sinh, sinh viên Việt Nam một Ngày Nhà Giáo tròn đầy tình Thầy, nghĩa Bạn, duyên Trường.
Bắc California, ngày 20-11- 2011
Trần Kiêm Đoàn