Lời thưa trước:
Bài ký sự sau đây tôi viết đặc biệt tặng đồng môn Nguyễn Hoàng Quảng Trị Tam và Nhị C 63-65, các bạn cùng năm nhưng khác lớp và tất cả các bạn ban C của những niên khóa về sau. Ước mong của tôi, bài viết này là cánh thư để chúng ta cùng tìm về kỷ niệm và trôi dạt đên mọi nơi mọi miền, họa chăng còn những người nhớ đến trường xưa phố cũ nối sợi dây thân ái. Bốn mươi lăm năm đã trôi qua, bụi thời gian phủ dày làm phôi pha nhạt nhòa ít nhiều đã mờ đi hình bóng ngày xưa, còn lại là dấu ghi kỷ niệm. Xin phép được gọi tên khi còn học trò với mục đích gợi ôn dĩ vãng một thuở một thời. Ai được gọi tên mà không ưa đành gởi lời xin lỗi. Biết đâu bạn sẽ tìm được hình ảnh ngày nào của mình thuở tuổi đầu xanh dưới mái trường xưa trong bài viết chơn chất vụng về này.
Thân mến,
TQP.
Trần Quốc Phiệt
NH 63-65.
Quê hương chúng ta là vùng phải gánh chịu nhiều thiên tai, đau thương oan nghiệt. Khi đất nước bị chia cắt làm hai, sông Hiền Lương trên đất Quảng Trị cũng là địa giới phân ranh hai miền đối nghịch ý thức hệ. Cuộc chiến tranh tương tàn vô cùng khốc liệt, vùng đất nghèo nàn ấy được trùm lên tên gọi miền địa đầu giới tuyến, đã nhọc nhằn quằn vai gánh họa đạn bom ê chề. Một ai khi nhắc đến Quảng Trị không khỏi bùi ngùi mà thốt ra những lời xót xa đắng cay như thế. Vui gì cứ khơi lại vết bầm đau, thì thôi dù chưa thể nguôi ngoai, tôi sẽ kể về nơi ấy những ngày tuổi thơ, những ngày an bình của một học trò trường làng trường tỉnh, một đoạn đời tuy ngắn nhưng êm đềm chan chứa tình thân.
Làng tôi thuộc quận Triệu Phong nằm phía Nam dòng Bến Hải, là phần đất của chính quyền Quốc Gia sau năm 1954, đây là lúc nền giáo dục miền Nam bắt đầu phát triển. Từ thành thị đến thôn quê trường lớp được tổ chức, tuy còn thô thiển nhưng có nơi để học hành, nâng cao kiến thức, sau một thời gian dài đằng đẵng chiến tranh. Vùng tôi cũng có một ngôi trường, khởi đầu với hai lớp và hằng năm cứ tăng lên cho hết bậc tiểu học. Thế mà tôi chỉ được học nơi ấy vỏn vẹn một năm rồi phải đi Huế tiếp tục cho đến hết trung học đệ nhất cấp.
Ai đã từng xa nhà mới thấm thía nỗi nhớ nhung, vậy thử tưởng một thằng nhỏ học lớp ba, phải một thân một mình đến chốn lạ. Có phải chăng đó là một điều hơi đặc biệt vì vào thời ấy đi học xa chẳng khác nào như ngày nay đi du học, thường thì học trò tương đối lớn và khi địa phương không còn lớp, vì rất tốn kém, chỉ những gia đình khá giả mới chịu nổi. Trường hợp tôi thì trái nghịch, được xem như ngoại lệ vì từ nhỏ đã đi lang thang, lớn lên lại về quê nhà. Tuy chỉ hai năm với Nguyễn Hoàng, thời gian quá ngắn nếu như so với các trường khác tôi từng trải qua, nhưng Nguyễn Hoàng đã để lại trong tôi nhiều kỷ niệm thân thương. Nhiều lần tự hỏi rồi tự trả lời có lẽ cái gì không còn thì nỗi nhớ thêm thâm sâu.
Trở về làng xưa xóm cũ .
Vào mùa hè 1963, sau kỳ thi trung học đệ nhất cấp tôi về làng thăm gia đình, như thông lệ hằng năm, định về chơi vài tuần sẽ trở lại Huế tham dự trại hè thường niên Thuận An rồi chuẩn bị cho niên học kế đến. Tính như vậy, ai dè đó là lần tôi từ giã đất thần kinh sau khi đã qua một thời gian dài dùi mài đèn sách nơi đó, để rồi hai năm sau trở laị.
Từ nhỏ tôi đã phải xa gia đình và đã quen đời sống tập thể của một nội trú sinh, với sự giám sát nghiêm minh của giám thị, kỷ luật tổ chức như Hướng Đạo, các nhà dìu dắt đều là tráng sinh, sống hòa mình với mọi người, tuy đời sống với cái gì cũng vừa đủ, tất nhiên không thể sánh với những bạn khác được gần gũi chăm sóc của cha mẹ anh chị. Nói chung về tình cảm thì thiếu thốn, nhưng nhờ sống cuộc sống tập thể đã rèn luyện cho mình sự chịu đựng và tự tìm lấy niềm vui . Hằng năm cứ đến kỳ nghỉ hè tôi về quê thăm gia đình vài tuần. Nếu như ở Huế ngoài việc phải lo học, tôi thích đá banh, tắm bến Thương Bạc ,trèo cây hái trái và biết bao nhiêu trò chơi trong nội trú thì về quê tôi lại say sưa tát cá, câu cắm, đào ô trể, đi săn và bẩy chim.
Hè 1963, tôi vừa lấy được bằng đíp-lôm, tự cảm thấy mình lớn lên một chút,nên các trò chơi trước cũng lùi dần thay vào những sinh hoạt người lớn hơn. Chiều chiều tôi thường đạp xe đi chơi những vùng xung quanh với vài bạn đồng lứa . Họ đều là học trò Nguyễn Hoàng, có người đang chuẩn bị vào năm đệ tam.
Một hôm tôi cùng mấy người bạn đi vào trường Nguyễn Hoàng, tại đây tôi gặp mấy chị bà con cô cậu với tôi. Các chị đều là những nữ sinh khá duyên dáng của trường Nguyễn Hoàng, và chính các chị là những người đầu tiên cù rủ tôi về làm học trò ở đây.Người vai em thì “Anh về Quảng Trị đi học Nguyễn Hoàng với tụi em cho vui”; người vai chị thì “Cậu về học đây cùng đạp xe đi về tụi này cũng an tâm đỡ sợ”, các bạn khác cũng nói vào để tôi “đầu quân” vào Nguyễn Hoàng, tôi chỉ cười và hẹn để coi đã. Tuy trả lời vậy nhưng trong lòng đã cảm thấy muốn về.. Tất nhiên ai đã đi xa nhà mà không ước ao được về với mái ấm, gần gũi người thân.
Thế rồi, tôi không vào lại Huế để dự trại hè và lớp học thêm như mọi năm mà ở lại làng chơi cho đến gần hết kỳ nghỉ, sau đó đến văn phòng nạp đơn xin vào học đệ tam. Người tôi gặp đầu tiên là thầy Nguyễn Viết Trác, sau khi xem qua hồ sơ, thầy cười vui vẻ, sẵn cây bút trên tay thầy gạch dấu dưới chữ ban C, Pháp văn, thầy cũng cho hay hồ sơ nhập học của tôi không có gì trở ngại. Từ đó tôi trở thành một môn sinh của trường trung học Nguyễn Hoàng
Lớp xưa bạn cũ.
Lớp đệ tam C gồm cả Anh và Pháp không tới bốn chục, được bố trí học trên lầu của dãy nhà chính. Nhìn lui nhìn tới ai cũng lạ hoắc, cảm giác cô đơn ,ngỡ ngàng đến với tôi trong những ngày đầu đi học . Dù là dân Quảng Trị nhưng từ tiểu học cho hết trung học đệ nhất cấp, tôi học trường công lập ở Huế, mà trường công ở đây thời đó nam và nữ riêng biệt, ngay cả khi trường Đồng Khánh mở lớp đệ nhất thì nữ sinh khỏi sang học chung với nam sinh Quốc học luôn. Cái ngỡ ngàng thứ hai là nữ sinh gọi nam sinh bằng chú, không xưng chị hay em hoặc tên mà lại xưng tui. Chỉ sau này quen rồi mới xem đây là cách xưng hô chân tình thân mật. Về sau có dịp đi nhiều nơi mới biết cách xưng hô từng địa phương là phong phú, người vùng nào có phương ngữ vùng đó.
Nhớ lại ngày nào từ một thằng bé nhà quê vùng chợ Cạn bước vào nội trú tôi còn mang theo những cách nói xứ mình, đôi khi nói ra người nghe hưởng ứng bằng một trận cười như khi thầy hỏi cuốn vở này của ai, tôi liền đưa tay và trả lời “của tui”, hoặc tôi dùng chữ “trăn” thay cho té hoặc ngã, chữ “bụ” thay cho chữ vú… Thật ra tôi yêu mến cách nói của người “miềng” nên tha phương gần năm mươi năm, đi khắp nơi Nam, Trung, Bắc và nay lưu lạc xa nửa vòng trái đất, vẫn giữ tiếng nói Mai Lĩnh, không pha chế chút chi với chổ mô cả.
Đầu lạ sau quen, chỉ vài ngày là có bạn. Tôi ngồi vào dãy bàn bên ban Pháp văn, vài bàn trên cùng dành cho nữ sinh, những bàn kế là nam sinh, bên cạnh tôi là Hoàng Thạch Tú và Võ Mậu Thiên. Tú và Thiên là hai người bạn đầu tiên của tôi khi về Nguyễn Hoàng, hiền từ dễ thương, chăm học mà cũng rất văn nghệ. Nhà Tú ở làng Bích Khê, từ thị xã về không xa nên tôi thỉnh thoảng cùng đạp xe về đó chơi, phòng học của Tú bên cạnh Từ đường rất yên tĩnh, vài nhạc cụ như đàn guitar và mandoline, thứ nào tôi cũng tập tõm chơi được, vì đã học qua khi còn là nội trú sinh ở Huế. Tôi vẫn chưa quên được cái lần tôi cùng Tú về nhà Thiên trong làng Nại Cữu, vào một ngày mưa bay nhè nhẹ, trời se lạnh, đường đi khá ẩm ướt trơn trợt. Còn nhớ mồn một cây cầu đi qua Chợ Sãi, nhớ xóm Hà với những hàng tre la ngà rợp mát, đó cũng là một trong những hình ảnh Quảng Trị về đời học trò còn ghi lại trong tôi.
Ngoài Tú và Thiên tôi bắt đầu có thêm nhiều bạn mới như Nguyễn Khâm, Nguyễn Ngọc Hùng, Nguyễn Cư, Lê Đình Lộng Chương, Hoàng Mỹ … Lấn sang bên Anh văn thì có Lê Văn Tôn , Lê Thọ Khoa, Hoàng Mỹ Uyên, Lê Ngọc Giao….Trong số bạn mới này,Lê Văn Tôn là người nổi trội nhất. Anh là một học sinh học rất giỏi nhưng giao tiếp rộng rãi, bặt thiệp luôn thể hiện là một đàn anh ( có lẽ do anh tuổi lớn hơn tụi này).Anh đã từng dẫn tôi về nhà anh ở bờ nam sông Thạch Hãn bên đường rầy xe lửa gần cây cầu sắt chơi mấy dạo. Và cũng nhờ đi với anh tôi mới biết thêm các nữ sinh bên ban A như Nguyễn Thị Điều, Quỳnh Hoa, Phù Thị Lan, Võ thị Thúy, Nguyễn Thị Phướng, Hồ Thị Thiên …
Lớp trưởng hai năm Tam C và Nhị C của tôi là anh Lê Văn Thiệu. Ngồi bên cạnh là anh Nguyễn Ngọc Chủy, hai anh này hơi giống nhau là tính tình nghiêm nghị, chỉ lo học hành không thấy đùa giỡn với ai trong lớp. Nhưng lại nghe đồn anh Thiệu yêu chị Lê Thị Lan , một nữ sinh cùng lớp , ngồi bàn sau .Và bây giờ họ là cặp đôi số một và duy nhất của lớp tôi nên vợ nên chồng. Cho đến nay hai “ôông mụ” đã đùm đề dâu rễ cháu nội ngoại, thỉnh thoảng tôi gọi phôn nói chuyện với “hai cụ” nghe được cả tiếng bi bô vừa Mỹ vừa Việt của các nhóc tì.
Tôi đặc biệt để ý đến Lê Đình Lộng Chương, con trai của cố giáo Sư Lê Đình Ngân dạy Pháp văn, vì thầy Ngân là bạn học khi còn nhỏ với Ba tôi, đã có thời cùng là nhân viên bưu điện, thuở đó gọi là sở giây thép. Ba tôi kể rằng: thầy Ngân là người học giỏi, tài hoa, mười bốn tuổi đã làm thơ tình rất tình, viết truyện đăng báo. Tôi đã nghĩ rằng “hổ phụ sinh hổ tử”. Đúng như vậy, thuở đó Chương tròn mười lăm cũng đã là tay tài hoa lãng mạn : "…Ta chỉ nhớ có tên người con gái buổi tựu trường còn ngậm tóc trên môi.” (Lộng Chương - 63), và sau này tôi đã đọc tất cả những bài thơ của Chương khi thấy tên anh, hay thiệt.
Không khí lớp tam C ngày thêm gần gũi thân thiết đầm ấm mà phóng khoáng. Có nhiều người “tài hoa phát tiết ra ngoài”như Lê Hữu Ty, tôi hay gọi sau lưng với bạn cùng lớp là “người chải chuốt”, đi học ai cũng quần xanh áo trắng, Ty cũng như vậy nhưng áo quần khi nào cũng là phẳng phiu, đặc biệt đầu tóc chải dầu láng mướt. Lê Quang Ngân thì “lấc cấc” học bên Pháp văn nhưng khi nào cũng bổ nhào qua bàn bên dãy Anh Văn phía sau mấy O mà ngồi. Cũng như Ty, Ngân ở trong ban văn nghệ “thùng xèng”. Thùng xèng là chữ của Hùng Bắc Kỳ La Vang, vì Ngân là một trong những người đánh trống cho ban nhạc nhà trường, chuyên tụ tập bên nhà Quý lùn gốc người Tài Lương. Mỗi lần tôi và Hùng đi qua nhà trọ của bạn Nguyễn Khâm cùng lớp thì nghe xì xập thùng xèng hòa tiếng đàn guitar điện éo éo giật gân và rộn ràng vô cùng. Còn Ty thì đóng kịch, nên sau này vào Sài Gòn Ty cũng là diễn viên trong ban thoại kịch, nếu như tôi nhớ không lầm là ban Vũ Đức Duy, với cái tên Lê Cung Bắc. Thời gian đó tôi cũng ở Sài Gòn, theo học khóa Anh ngữ bổ túc chuẩn bị cho lớp sĩ quan du học Hoa Kỳ. Tôi có một người bạn gái là nữ diễn viên Hà Cẩm Thu, thường đóng kịch chung với Ty trình chiếu trên đài truyền hình. Bây giờ nếu nói Lê Hữu Ty rất nhiều người không biết, nhưng Lê Cung Bắc thì nhận ra liền, vì đã là môt nghệ sĩ rất nổi tiếng tại Sài Gòn hiện nay.
Bàn sau lưng tôi chứa toàn những “cậu ấm văn chương” tài hoa mà rất âm thầm đó là Nguyễn Khâm,Thái Bình, Bành Phi Hùng, Lê Văn Trạch, Lê Văn Bường Nguyễn Ngọc Hồng…và một “đồ ngôn” khá ồn ào là anh Bắc Kỳ La Vang không nho nhỏ, nhà thơ nhiều bút hiệu có chữ ký ấp chiến lược là Nguyễn Ngọc Hùng. Hùng là người bạo mồm bạo miệng, tán gái ngang như cua, làm thơ rất dễ dàng và đùa cợt không có thắng. Sau này tôi khá thân với Hùng nên biết nhiều chuyện về anh, kể ra người nghe cười không kịp bịt miệng, đã lỡ rồi, thôi thì xin kể vài “tiếu ngạo” của hắn như sau:
Một lần nọ vào đầu giờ toán của cô Kim Sa, bài kiểm tra được ghi lên bảng đen, Hùng nhìn vào không hiểu gì cả, hắn bèn làm một bài thơ viết nắn nót dưới chữ bài làm rồi đem nạp. Khi phát bài lại, cô cho điểm zéro, nhưng sau đó để khuyến khích tinh thần văn nghệ cô cho đủ điểm trung bình, nghĩa là 5/10. Hùng có đọc cho tôi nghe, ngôn từ rất tếu, ý tưởng lạ lùng vô cùng dí dỏm, tiếc là không nhớ được, đúng là hắn có tài làm thơ thiệt, tính tình hơi ngông, khí huyết lãng mạn... Nhân nhắc đến cô Kim Sa tôi xin bái phục một nữ giáo sư trẻ trung rất bản lãnh, học trò lớp C chúng tôi ngỗ nghịch đùa giỡn hơi hăng, thế mà có lần cô thách cả lớp cười thi đua với cô. Vì cái tội khi cô đứng trên bục giảng dưới lớp cứ nhìn cô mà cười, cô nói rất tự tin điềm đạm thoải mái : “ Các trò cười xong chưa ?,Ai còn muốn cười mời lên đây cười với cô”….Những cái đùa giỡn này thường thì Hùng là đầu nậu.
Năm đệ nhị, không nhớ rõ với mục đích gì, Hùng viết một cái thư gởi thầy Nguyễn Đăng Ngọc giáo sư Việt Văn, cuối trang giấy thay vì ký tên, hắn gạch lên gạch xuống khoảng mười lần xong gạch qua gạch về khoảng ba bốn lần. Cầm trang giấy trên tay thầy Ngọc ôn tồn hỏi anh ký tên gì đây, Hùng trả lời tỉnh queo thưa thầy em ký ấp chiến lược, hắn còn chua thêm ấp chiến lược là quốc sách, ký ấp chiến lược là rất tốt. Tôi đứng bên cạnh nó cũng ngỡ ngàng khi nghe Hùng nói với thầy như vậy, mà đúng nhìn giống như một đoạn hàng rào, thầy Ngọc cười một cách nhân từ rồi xếp tờ giấy dưới cuốn sổ. Từ đó khi nào nhìn cái hàng rào là tôi nhớ đến thằng bạn ngộ nghĩnh Hùng Bắc Kỳ La Vang. Hắn còn rủ tôi đi chơi lang thang đây đó, có lần lên Cam Lộ, đi Hương Hóa….
Chuyện “ Trên ghế bà đầm ngoi địt vịt….”, hai câu thơ trào phúng của cụ Trần Tế Xương được viết lên bảng đen trước giờ Công dân Giáo dục của thầy Thái Tăng Quý, Cử nhân Luật khoa, làm thầy giận bỏ lớp không dạy. Chúng tôi được may mắn học với thầy Hiệu Trưởng khả kính Thái Mộng Hùng một vài tuần trước khi nhà trường mời thầy Võ Hữu Sỏ Hiệu trưởng trường trung học Bồ Đề dạy tiếp cho đến hết năm đệ nhị. Những chuyện “ngỗ nghịch” như thế này cũng một tay Hùng Bắc Kỳ La Vang “đầu nậu”. Còn rất nhiều chuyện vui về bạn học này, tôi sẽ kể vào một dịp khác.
Nữ sinh cả hai ban Anh và Pháp đều rất hiền từ, chỉ có Ngô Thị Cương biệt danh là Cương điên hay đùa bỡn, còn như chị Đoàn Thị Tĩnh, chị Lê Thị Lan, Vương Lệ Hằng, Nguyễn Thị Thanh, Nguyễn Thị Dzũ, Phan Ngọc Bích, Cao Thị Thanh Nhàn,Trần Thị Hoa, Nguyễn Thị Liểu …nghiêm nghị như những nhà “mô phạm”. Trước mặt tôi lúc đó là những “cô chiêu” đoan trang thục hậu, thướt tha duyên dáng trong chiếc áo dài truyền thống trắng trong, tuổi thanh xuân ngọc ngà tươi mát, là những nụ hoa vào độ xuân thì.
Cương điên là tên được đặt từ lớp dưới mang lên, chứ hai năm học chúng tôi không thấy cái gì để gọi là điên cho cô ấy cả, ngược lại tôi nhận ra nơi Cương những nét đặc biệt. Cương rất thoải mái trong khi tiếp xúc với bạn nam cùng lớp, hay đi một mình dáng đăm chiêu như đang suy tư về một cái gì đó nơi cõi xa thăm thẳm. Cương có mái tóc dài đen mượt duyên dáng bồng bềnh rất lãng mạn.
Sau này nghe Lê Quang Ngân cho hay là có liên lạc với Cương, hiện ở thành phố biển Nha Trang, “nường” tự nhận với Ngân là bây giờ điên nhiều hơn nữa. Tôi càng tin rằng Cương không bao giờ điên cả, tính của cô ấy như vậy, mà theo tôi là con người đặc biệt và dễ thương. Chắc có bạn sẽ thắc mắc tại sao tôi lại “biện hộ” nhiều về Cương như thế. Nhưng tôi muốn đưa ra nhận xét về một nhân vật đã bị dính liền với cái nick name không mấy vui cho họ,vì người nào khi nhắc đến Cương là có chữ điên đi kèm và đã phổ biến ra toàn trường cho đến hôm nay. Thấy cũng tội nghiệp cho người ta phải không các bạn.
Cùng lớp chúng tôi có ban tam quái gồm Bùi Hữu Khang, Hồ Sĩ Kỹ, Hồ Đăng Nhật, ngồi bàn sau cùng bên góc, phía ngoài của dãy Anh văn. Họ hay nhảy cửa sổ “cúp cua”, hút thuốc lào trong lớp. Tất cả đều là cựu Nguyễn Hoàng từ lớp trên xuống, Khang và Kỹ có thành tích “quậy” và ở lại lớp, được tăng cường thêm Nguyễn Thất, người Trí Bưu từ Phước Môn qua. Thất học hành khá nghiêm chỉnh, nhưng cũng ham vui ưa nhập bọn.
Niên khóa 63-64 là năm đầu tiên trường có ban C, tính từ ngày có đệ nhị cấp 58-59, trước đó chỉ có hai ban A và B. Như vậy mãi năm năm sau mới mở ban C, lý do dễ hiểu là số học sinh theo ban C rất ít, nếu đem so sánh với các trường khác cũng như vậy thôi, ví dụ như Quốc Học chỉ một lớp C cả Anh và Pháp. Trường hợp Nguyễn Hoàng nhỏ hơn mà được vậy cũng khả quan lắm rồi.
Chưa hẳn những người theo ban C là giỏi văn, ngoài một số có năng khiếu đặc biệt và đam mê văn chương, phần còn lại có người vì yếu toán lại không muốn ôm cuốn vạn vật tụng suốt ngày thâu đêm. Cũng có người phải vào lớp C vì từ các nơi khác chuyển đến nhà trường chỉ còn chỗ ở ban C. Có người đánh giá rằng nếu như một học sinh học đều các môn thì theo ban C là dễ lấy bằng Tú Tài hơn cả.Dù anh đến đây với lý do nào thì khi đã ngồi chung một lớp tất phải chấp nhận tất cả .“Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”, cứ theo khuôn ấy mà “lăn” là đẹp hết. Trong tập thể của lớp C năm đó tuy không đông, nhưng phải nói đã quy tụ nhiều khuôn mặt với nhiều đặc trưng, rất đa dạng, một người một vẻ. Hoài bão cho một ngày mai ai cũng giữ kín trong lòng và sau này khi đã bay nhảy vào đời mới rõ ra. Té ra trong cái tập thể nho nhỏ ấy có những tài hoa ẩn náu, họ thật âm thầm nhưng khi kiếm đã vào tay thì tuyệt chiêu mới lộ nét.
Sau bốn mươi năm rời mái trường, lòng vẫn rộn ràng khi nhắc đến trường xưa lớp cũ, những gì là kỷ niệm tuổi học trò chưa phai nhạt trong trái tim của người xa xứ mà nay mái đầu đã chuyển màu tuyết sương. Năm 2005, bạn Lê Văn Trạch hỏi về những người năm xưa ấy, tôi ngồi ghi lại được ba mươi ba người, gần đây khi liên lạc bằng email với Hoàng Thạch Tú và Lê Quang Ngân, bổ sung thêm năm nữa, như vậy theo tôi là đủ với tổng cộng ba mươi tám cựu môn sinh tam và nhị C Nguyễn Hoàng từ 63-65. Xin ghi lại sau đây những người xưa ấy như là gọi tên ôn về kỷ niệm tuổi đầu xanh.
Những người năm ấy:
- Đoàn Thị Tĩnh - Thái Bình
- Phan Ngọc Bích - Lê Văn Trạch
- Lê Thị Lan - Nguyễn Khâm
- Nguyễn Thị Liểu - Nguyễn Ngọc Hùng
- Trần Thị Hoa - Nguyễn Ngọc Hồng
- Ngô Thị Cương - Hoàng Mỹ Uyên
- Vương Lệ Hằng - Lê Văn Bường
- Nguyễn Thị Dzũ - Nguyễn Ngọc Chủy
- Nguyễn Thị Thanh - Lê Văn Thiệu
- Phan Thị Ngọc Lan - Lê Văn Tôn
- Đổ Thị Ai - Lê Thọ Khoa
- Cao Thị Thanh Nhàn - Lê Ngọc Giao
- Nguyễn Cư - Nguyễn Thất
- Lê Đình Lộng Chương - Hoàng Hữu Ly
- Lê Hữu Ty - Bành Phi Hùng
- Hoàng Mỹ - Lê Quang Ngân
- Võ Mậu Thiên - Hồ Sĩ Kỹ
- Hoàng Thạch Tú - Bùi Hữu Khang
- Trần Quốc Phiệt - Hồ Đăng Nhật
Ban C Nguyễn Hoàng như một dòng sông êm đềm khởi nguồn từ đó, được chảy luân lưu mãi tận về sau cho đến ngày trường không còn tên gọi. Hai năm với tôi là một chặng đời đầy hoa mộng. Nhìn về các đàn em ban C kế tiếp, lòng tràn trề niềm vui với bao tài hoa đã góp màu phong phú cho thơ văn vùng đất Quảng. Xin được khái quát mà không gọi tên từng người, nếu tôi ghi tên vài nhân vật, chắc sẽ bất công khi cái tập thể đông đảo ấy tản mác đó đây chưa có dịp gom mặt kê tên.
Từng gặp lại nhau.
Trong số những bạn cùng lớp ghi lại trên đây, đa phần học đủ hai năm 63-64 và 64-65. Sau kỳ thi tú tài phần nhất người đậu kẻ rớt. Có người lên đệ nhất và cũng có người phải học lại đệ nhị, cũng có người chỉ học một vài tháng của năm đệ tam, có người không học hết năm đệ nhị. Thời gian quá lâu, người viết không còn nắm được cụ thể, tuy nhiên còn nhớ Hồ Sĩ Kỹ là người ra đi sớm, anh vào lính. Người kế là bạn Nguyễn Khâm đăng vào Không Quân. Bỏ ngang đi làm cho ngân hàng phát triển nông nghiệp là Phan Thị Ngọc Lan, theo lời Chị Ngọc Lan kể lại với bạn Lê VănTrạch.
Người viết chỉ về lại quê hương bản quán học hai năm, chỉ hai năm thôi mà cũng đã cà kê lắm chuyện. Sau khi đậu Tú tài I, tôi và Lê Hữu Ty gặp nhau tại lớp Đệ Nhất C trường Quốc Học. Nghe nói đệ nhất C Nguyễn Hoàng năm đó ngoài những người từ dưới lên còn được tăng cường các trường khác vào và từ Huế ra. Đặc biệt có giai nhân tuyệt sắc tài hoa, “vốn dòng Tôn Thất danh gia”. Chị Giao nào đó đã làm điêu đứng biết bao chàng trai quê ta. Tôi chỉ viết lại theo lời khoe của Hoàng Thạch Tú, kèm theo lời chê trách tôi và Ty là kẻ phản thùng “bỏ chợ quên bạn hàng”, không ở lại để tận hưởng niềm vui đến cuối đoạn đường. Thôi đành xin hẹn lại kiếp sau chứ sao.
Mùa hè 65 tôi rời trường, thật lòng mà nói thuở đó tôi như kẻ một cảnh hai quê. Nhớ thôn làng thì ưa về quê để học, nhưng khi đã về đi học ở Quảng Trị lại nhớ Huế vô cùng. Tôi đã sống và học ở Huế quá lâu, có nhiều bạn bè thân thiết ở đó với bao kỷ niệm tuổi thơ dưới mái nhà nội trú thân thương, sinh hoạt tập thể, chẳng khi nào thấy cô đơn. Đó là lý do tôi trở vào học Quốc Học. Nhưng không giản dị như tôi nghĩ, khi tôi trở lại Huế bạn bè lớp cũ từ từ đi xa, lại gặp những khó khăn …rồi rốt cuộc tôi cũng bỏ Huế mà đi, đi xa để ngóng về quê nhà Quảng Trị và Huế một chuỗi đời tuổi thơ với biết bao nhớ thương.
Từ dạo ấy, tôi trở về Quảng Trị vài lần, có bận gặp lại Nguyễn Ngọc Hùng, hắn vẫn còn ở La Vang, vẫn ngông nghênh cóc cần đời và làm thơ tán gái. Trước 68 tôi cũng trở về Huế nhiều lần, có dạo gặp được Võ Mậu Thiên,Thiên đang học y khoa. Nghe tin anh Chủy và Tú đang học đại học Sư Phạm, nhưng không rõ ở đâu.
Có lần may mắn gặp lại Hoàng Thạch Tú, khi ấy Tú đã tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm, vào dạy Tam Kỳ thì phải, còn tôi đang hành quân ra đường lộ nhận tiếp tế tại thị trấn Điện Bàn, Quảng Nam.
Sau cuộc quê hương chảy máu mùa hè đỏ lửa, tôi còn gặp lại Lê Hữu Ty tại Đà Nẵng, ngay trong restaurant của Grand Hotel de Tourane, tức là Khách Sạn Bạch Đằng. Cũng từ đó tôi thỉnh thoảng gặp Lê Văn Trạch,Trạch là sĩ quan quân báo Sư Đoàn, và tôi đang là đơn vị trưởng một đơn vị trong cùng vùng hoạt động, chúng tôi gặp nhau khi có các cuộc họp phối hợp. Cuộc đời làm lính của tôi chỉ có Trạch, bạn cùng lớp cũ biết rõ nhất. Hiện tại ở USA tôi và Trạch cũng liên lạc thường xuyên. Lại thêm có bạn cùng đơn vị của Trạch thuở nào mà là anh em đồng cảnh của tôi thời nội trú sinh, nênTrạch là người biết tôi rất rõ từ dĩ vãng tuổi thơ cho đến cuộc đời mang áo trận. Và nữa,Trạch là một trong vài người ít ỏi tôi đã gởi tặng cuốn sách với độ dày hơn năm trăm trang, chỉ nói về cuộc đời cơ hàn của những nội trú sinh, đoạn đời tuổi thơ đầy cam go khổ cực. Tôi đã mượn nơi đó để trải bày một chặng đời của những con người vươn lên từ gai góc, cám ơn Trạch đã đọc và cho tôi một lời phê: “rất thật, rất cảm động…” Và anh Trạch ơi, như tôi đã thưa ở đó không có những áng văn chương hoa mỹ, nhưng những ý tưởng trung thực đã được bật ra từ con tim.
Vào mùa hè năm 1973, trở lại Huế đại diện đơn vị tham dự một lễ quan trọng của Quân Đoàn I. Tình cờ lúc lái xe từ cầu Lò Rèn về dưới phố, tôi nhận ra chị Đoàn Thị Tĩnh, đang đi xe gắn máy loại nhỏ hình như Velo Solex cùng chiều. Thật là bất ngờ chị Tĩnh đã nhận ra tôi rất nhanh, vì khi ấy người tôi như đã lột xác, đen thui, đầu cắt ngắn, áo quần tác chiến trang bị trên người trông mà “gớm”.Tôi ngừng xe jeep để chào chị, cứ tưởng là chị sẽ giật mình, sẽ không nhận ra tôi, ai dè chị nhận ra tôi ngay và chuyện trò vui vẻ, thời gian không có nhiều, nhưng chừng đó cũng ghi lại kỷ niệm một lần tái ngộ. Lái xe đi rồi, tôi chợt nhớ đã quên hỏi tin hai người em trai của chị, ngày trước chúng tôi quen nhau bởi cùng làm công tác từ thiện Phật Tử. Gần đây qua email cuả Ngân, mới hay chị vẫn còn ở Huế, có cả hình trông không thay đổi chi nhiều, chị vẫn hiền lành với nụ cười nhân hậu như thuở nọ, đôi mắt rất quen dưới cặp kiếng trắng như bốn mươi lăm năm xưa.
Sau 75 một thời gian khá dài hầu như tám hay chín năm gì đó, gặp lại Hoàng Thạch Tú gần ga xe lửa Đà Nẵng, mừng vô cùng, thời buổi khó khăn, bạn bè ly tán. Tú đưa tôi về nhà trên đường Trần Cao Vân, nhâm nhi nước trà, kéo vài hơi thuốc lào, hồi tưởng lại những ngày xưa thân ái dưới mái trường phất phới những tà áo trắng nên thơ. Với Tú tôi còn giữ những kỷ niệm êm ả cuả lớp học, cổng trường với màu hoa phượng, con đường từ chùa Tỉnh Hội, đổ dốc Cầu Sãi đi dưới hàng tre la ngà của xóm Hà, lối về Bích Khê, tiếng đàn guitar, nụ cười hiền hòa và giọng nói mặn mà thân thiết.
Khoảng năm 84, tôi gặp lại Lê Ngọc Giao ở Sài Gòn, Giao tự giới thiệu ở Cư Xá Thanh Đa, đang chạy thuốc Tây, tức là “dược sĩ chợ trời” thời bao cấp. Chúng tôi chỉ trò chuyện với nhau một lần duy nhất bên quán cà phê vỉa hè trên đường Hàng Xanh. Đó là vài nét tôi biết về Giao kể từ ngày xa nhau. Sau này tôi mới được Lê Văn Trạch cho hay trước 75 Giao làm thông dịch viên của Uỷ Ban Liên Hiệp Quân Sự. Vào thập niên 90, Giao là phó giám đốc công ty xây dựng nước ngoài hoạt động ở Sài Gòn, và anh đã ra người thiên cổ bởi căn bịnh ngặt nghèo cancer.
Có lần tôi vào chợ Hoà Hưng Sài Gòn, tình cờ gặp Nguyễn Ngọc Hùng Bắc Kỳ La Vang. Vậy là khoảng mười bảy năm sau mới gặp lại nhau (84), mừng lắm, mới biết hắn nguyên là trung úy Biệt Động Quân VNCH, bị thương đã giải ngũ. Vợ chồng Hùng có sạp hàng bán mể cốc, nhà ở mặt tiền đường Lê Văn Duyệt nối dài (cũ). Tôi trở lại thăm Hùng những khi thuận tiện, lúc đó hắn trầm tĩnh hơn, không nhạy miệng chuyện thơ phú như xưa. Tôi đọc lại bài thơ của hắn “Ôi mái trường xưa màu ngói cũ, nghẹn ngào trống dục buổi chia ly…” nó chăm chú nghe với nét đăm chiêu trong đôi mắt chất chứa một nỗi buồn, thật xúc đông. Lần khác hắn đọc những bài thơ “lỡ vận” cho tôi nghe, còn tôi thì đọc nguyên bài cảm tác Tiêu sơn tráng sĩ, bài này Hùng ký bút hiệu Triệu Ngọc Tường Vân (64). Khi đến hai câu cuối : “ ngày mai thôi hết đời sương gió, múa bút xem thường chuyện kiếm cung”, hắn mỉm một nụ cười chua cay. Thừa hiểu cuộc vật lộn cơm áo gạo tiền còn giờ giấc đâu mà múa bút và đâu dễ gì múa máy “linh tinh”. Nhân đọc được lời nhắn trên Nguyễn Hoàng Sài Gòn website của Lê Quang Ngân, tôi đã ghi thư, chỉ đoạn nhà Hùng để Ngân tìm nhưng cảnh cũ còn đó mà người xưa không rõ nơi đâu. Viết những dòng này ước chi được tin về người bạn đồng môn ngỗ nghịch của tôi vào cái thời “ăn chưa no lo chưa tới”.
Từ ngày lưu lạc xứ người, liên lạc thường với vợ chồng anh chị Lê Văn Thiệu, Lê Thị Lan. Anh Thiệu hay thật, lâu lắm không hề gặp mặt hay thư từ, thế mà lần đầu gọi phôn, anh ấy nhận ra tôi ngay, nói cười vui mừng ra phết. Anh còn tả lại nhân dáng và những nét đặc biệt “khó coi” trên khuôn mặt “không mấy trơn tru” của tôi. Trông qua hình thì hai ông mụ còn trẻ trung yêu đời lắm. Giọng nói của chị Lan cũng còn trong trẻo như cô nữ sinh thuở nào. Quả là một “big family” Thiệu Lan, với một gái bốn trai cộng với dâu rể và cháu nội ngoại, đúng là đùm đề vui quá là vui. Hổ phụ đã sinh hổ tử, trưởng lớp Lê Văn Thiệu ngày xưa là một học trò gương mẫu, học giỏi và chăm chỉ, thì nay các con cũng thành đạt, bốn người có văn bằng hậu đại học tại Hoa Kỳ, Ph D, MD, MA…Những văn bằng mà ngay cả dân USA chính thống cũng thèm thuồng. Ngày nay trên đất Mỹ, con cháu chúng ta tốt nghiệp đại học và lấy học vị hậu đại học là trong tầm tay. Có rất nhiều gia đình Việt Nam hiển đạt bằng con đường khoa bảng, biết mà kể cho hết thì nhiều lắm. Tất cả họ đã góp phần làm vẽ vang người tỵ nạn gốc Việt, con của anh chị Thiệu Lan là một niềm hãnh diện. Xin chúc mừng.
Người liên lạc rất thường xuyên là Lê Văn Trạch ở tiểu bang Tennessee USA, Trạch như một cái gạch nối quan trọng giữa anh em chúng ta, giữa Nguyễn Hoàng trong nước và Nguyễng Hoàng ly hương. Anh cũng là người năng nổ hoạt động xã hội, vậy mới có tên chủ quán “An Lạc”. Anh có mặt khá thường xuyên trong các tập san Quảng Trị có khi là tên cúng cơm, có khi là bút hiệu… Tôi và Trạch có cơ duyên với nhau, không hẹn lại cứ gặp, thuở đầu xanh kẻ từ Huế ra, người từ Cam Lộ xuống gặp nhau tại lớp C Nguyễn Hoàng. Vào đời lính tuy không chung đơn vị lại cứ gặp nhau dài dài vì công vụ. Thường cùng có tên cộng tác trong Đặc san Hương Quê Quảng Trị và gần đây nhất không “hú” lại cùng xuất hiện trong bộ DVD Quảng Trị 72 của Dân Sinh Media.
Ngoài ra ở USA còn nghe tin Vương Lệ Hằng, Hồ Đăng Nhật ở Texas, và Lê Thọ Khoa ở Colorado, nhưng chưa lần gặp hoặc gởi mail cho nhau, riêng Hồ Sĩ Kỹ, Hoàng Mỹ và tôi ở rất gần, hằng năm hội ngộ đồng hương Quảng Trị đều đủ mặt.
Cá nhân tôi và Hoàng Mỹ gặp gỡ hầu như khá thường xuyên, lâu lâu lại hú nhau để trò chuyện, có gì chạy đến nhà cũng không cách trở đò giang. Trong những đồng môn tam và nhị C Nguyễn Hoàng 63-65, có thể nói Mỹ là người ở USA lâu nhất, nên chi cũng rất Mỹ mà cũng hay là rất Việt Nam. Hiện diện đều đặn trong các dịp họp mặt đồng hương, tâm hồn còn chan chứa “hoa cau, hoa mai vàng…” mỗi độ Xuân về. Ngoài ra Mỹ còn là một trong vài người của nhóm chủ trương phát hành tập san Nguyễn Hoàng Bắc Cali hằng năm, đây là việc làm không phải dễ dàng, ai đã từng nhúng tay vào mới biết. Cố gắng duy trì được như vậy là đáng ca ngợi.
Tôi rất mong có dịp gặp lại cô nữ sinh duyên dáng Nguyễn Thị Liểu với vầng tóc bay trong nắng gió heo vàng, sau giờ tan trường thường thả bộ về con đường phường Đệ Tứ gần ngõ Hạnh Hoa. Chỉ biết tin cùng ở Cali, thủ phủ Sacramento, nghe thôi mà chưa hề một lần “chộ” lại.
Phan Ngọc Bích ở Pháp, trước ngày ông cụ Quảng Tường còn, thỉnh thoảng gặp Cụ ông nói Bích sang Mỹ thăm, có lần ghé nhà Hoàng Mỹ cùng đi với Liểu. Cả hai tôi chỉ được gặp trên hình do Mỹ cho xem “ké” mà thôi. Tôi muốn nhìn lại cái lúm đồng tiền trên khuôn mặt hồng tươi của cô Bích ngày nào, tiếc là hình hơi nhỏ nên không thấy được. Khi bài viết này vừa xong, tôi nhận email của Trạch báo đã liên lạc được với Phan Ngọc Bích ở Pháp, Bích gởi kèm một tấm hình cười thật tươi, vẫn có cái lúm đồng tiền, không thay đổi chi nhiều, chỉ ngắn gọn vài hàng nhưng cũng gói ghém nỗi vui mừng : ….”sau mấy mươi năm mất liên lạc, nay biết được tin tức nên rất vui mừng….” (nguyên văn lời Ngọc Bích).
Hoàng Mỹ còn cho xem mấy tấm hình chụp chung : Mỹ, Chương, Thiên và Ty trong buổi hội ngộ “tạc thù” tại Bà Rịa, nơi ẩn náu cuộc đời của người bạn tài hoa để “Nằm nghe sóng đùa trăng lên bãi vắng” và “…thả hồn sương khói những chiều đốt rẫy rừng hoang…” (Lộng Chương – 83 )
Trạch chuyển đến tôi vài hình chụp chung với Ty, Ngân và Nguyễn Thi Thành nhân chuyến về Sài Gòn, bốn mươi lăm năm qua mà vẫn còn nhận ra nhau, đặc biệt Thanh vẫn là Thanh “ròm” như thuở nào. Khi nhắc đến Cương và Liểu tôi chợt nhớ đến người bạn ngồi chung bàn và thường đi cùng là Trần thị Hoa, nàng nữ sinh hiền lành, với nụ cười hồn nhiên, da bánh mật, mái tóc thề đen mướt thả phía sau, trước cắt bằng che một phần vầng trán tăng thêm nét duyên dáng yêu kiều mà nay không rõ phương nào.
Đến nay đã bốn mươi lăm năm, trong cuộc trần ai đầy gian truân, lưu lạc tám hướng mười phương, người còn kẻ mất, người còn nghe tin, kẻ biệt vô âm tín, còn nhớ đến nhau cũng quý hóa quá rồi. May là trời cho chưa dính phải cái bịnh alzheimer nên vẫn có thể ghi lại những điều đã hằn in trong trí nhớ. Vô cùng bùi ngùi xúc động nghe tin các anh Lê Văn Tôn, Lê Ngọc Giao, Hoàng Mỹ Uyên, Bành Phi Hùng không còn hiện diện trên cõi đời này nữa. Cám ơn bạn Lê Quang Ngân, qua bạn mà chúng tôi biết được tin về Bành Phi Hùng cuộc đời với một nỗi đau, thì xin ghi một lời cầu nguyện. Còn góp nhặt được những gì để ghi lại nơi đây như hằn thêm một nét mực vào trang kỷ niệm quê hương và mái trường yêu mến cuả chúng ta.
Lời kết
Ai đã từng là học trò cắp sách đi học, dù ở đảng cấp nào, ngắn dài bao nhiêu đều có một mái trường, một lớp học và bạn hữu để nhớ lại mỗi khi soi mặt chặng đời đã qua. Trường hợp của tôi cũng thế, đã từng trải qua nhiều mái trường từ nhỏ mà lên, nơi nào cũng để lại trong tôi những kỷ niệm học trò, nơi nào cũng tràn trề nỗi nhớ niềm thương. Nhưng có hai ngôi trường gây ấn tượng sâu đậm là trường tiểu học Trần Quốc Toản ở Huế và trường trung học Nguyễn Hoàng Quảng Trị Có ai đó muốn hỏi thêm trường nào là nhất, tôi sẽ trả lời ngay là Nguyễn Hoàng Quảng Trị. Dù tôi chỉ học nơi ấy vỏn vẹn hai năm.
Mái trường ấy nằm trên quê hương tôi, một nơi ấm áp tình nghĩa thầy trò bạn hữu, đó là lý do tôi ghi lại cái ngoái nhìn dĩ vãng bằng tâm hồn thương nhớ một thuở một thời.
Và nơi đây tôi không thể để sót những lời tri ân từ thầy Cố Hiệu Trưởng Thái Mộng Hùng, quí vị Giáo Sư đã dẫn dắt chúng tôi hai niên học tam C và nhị C từ 63 đến 65, cố giáo sư hướng dẩn Nguyễn Văn Sang dạy Sử Địa, Giáo Sư Nguyễn Đăng Ngọc dạy Việt Văn liền hai năm tam và nhị, cố giáo sư Lê Đình Ngân dạy Pháp Văn đệ tam, Giáo Sư Hưng dạy Pháp Văn năm đệ nhị, Giáo Sư Mai và Giáo Sư Hồ Sĩ Châm dạy Anh Văn, cố Giáo Sư Thái Tăng Quý, Giáo sư Võ Hữu Sỏ dạy Công Dân Giáo Dục, Giáo Sư Kim Sa dạy Toán, Giáo Sư Lê Hữu Nam dạy Lý Hóa …cùng tất cả quý thầy cô giáo của Nguyễn Hoàng dù có phụ trách lớp chúng tôi hay không đều là những thầy cô đã góp phần to lớn un đắp nên Nguyễn Hoàng qua biết bao thệ hệ.
“Rồi chúng ta mỗi người về một ngã
Giữa những ngày đầy lửa đạn quê hương…”
Giữa những ngày đầy lửa đạn quê hương…”
Bùi ngùi mỗi khi đọc lại những vần thơ của cố Giáo Sư Phan Phụng Thạch, nhưng làm sao để có “ta về đứng giữa trường xưa….”(Phan Phụng Thạch)
Phòng cũ không còn để có dịp trở về thăm, trường xưa không còn tên để gọi, nhưng khoảng không gian Nguyễn Hoàng mãi là tên réo ngàn năm thiết tha trong nỗi nhớ. Khoảnh đất ấy vẫn là Nguyễn Hoàng của chúng ta, những thế hệ sau này sẽ nhìn vào mà tưởng nhớ về Nguyễn Hoàng, tên người khai phóng phương Nam, tên trường một thời đào luyện nên bao nhiêu tài năng cho quê hương bụi mù gió xát nắng rát mưa dầm, đã làm thơm danh đất Mai Lĩnh cao ngất tận cõi bìa Tây và dòng Thạch Hãn thắm tươi màu xanh nước mát xuôi ra biển mặn bờ Đông.
Trong bước ngoặc đổi thay, bao mảnh đời bồng bềnh phiêu dạt, những thành công bay theo gió cát, rồi cũng từng thấm ngậm chua cay, lúc nào cũng nhìn về kỷ niệm học trò như trang giấy tinh nguyên ướp bông hoa phượng, là bài thơ lưu bút nắn nót dòng mực tím trao nhau. Hôm nay dù đứng ở phương nào, hay dù phải nhìn về dĩ vãng và bạn hữu bằng đôi mắt gắn cặp kiếng màu để an phận cuộc đời thì lòng chúng ta, những con chim từ đó bay ra vẫn thảnh thơi tựa màu trời trong xanh mát mịn trong không gian Nguyễn Hoàng những ngày thơ êm đềm khi mộng đời còn bỏ ngỏ.
Trần Quốc Phiệt.
Cali, USA, 2010.
No comments:
Post a Comment